Quy chế thi tốt nghiệp 2013 có nhiều điểm sai phạm
Bộ Giáo dục Đào tạo có vi phạm luật khi không cho phép công khai các bằng chứng vi phạm trong kỳ tuyển sinh năm 2013? Một trong những quy định mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 là: Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Thầy Nguyễn Danh Ngọc ký vào đĩa CD để giao nộp cho thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang trong vụ bê bố thi tốt nghiệp 2012 ở Đồi Ngô 2012 - Ảnh: Vĩnh Hà
Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và Thanh tra giáo dục các cấp.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đưa ra quy định vượt quá thẩm quyền, lạm quyền. Bằng chứng vi phạm quy chế thi không phải là thông tin mật, tuyệt mật được đóng dấu, mà đó là chứng cứ bình thường. Người sở hữu chứng cứ đó muốn công bố ở đâu là quyền của họ. Họ có thể gửi cho Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp, có thể đưa lên blog, facebook hoặc gửi cho báo chí, không ai có quyền cấm cản. Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ có quyền tiếp nhận các thông tin đó qua nhiều kênh, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp và có trách nhiệm xử lý.
Những hành vi vi phạm quy chế thi thường xảy ra trong các kỳ thi, làm ảnh hưởng tới chất lượng cũng như kết quả của các kỳ thi. Phòng và chống vấn nạn này có nhiều cách, và quay phim, ghi hình là một trong những biện pháp rất khả thi và hiệu quả. Thí sinh cũng như cán bộ coi thi, nếu có ý đồ tiêu cực thì cũng phải lo sợ lọt vào tầm ngắm của một “ống kính” vô danh nào đó. Cho nên, chỉ tính ở mức độ phòng, cách thức này cũng đã có vai trò đáng kể trong việc hạn chế hành vi vi phạm có thể xảy ra.
>> Thầy Đỗ Việt Khoa lên tiếng về quy chế thi tốt nghiệp 2013
Làm người có bằng chứng vi phạm chùn bước
Khi có được bằng chứng, việc công bố công khai cũng rất cần thiết. và đây là cách “chống” tốt nhất. Hãy để cho xã hội biết rõ những cá nhân, tập thể có hành vi vi phạm. Sự công khai đó cũng chính là điều kiện để tránh việc che giấu, lấp liếm cho qua. Khi chứng cứ đã rành rành, không ai dám bỏ qua không xử lý bởi vì có sự giám sát của cả cộng đồng. Cho nên, nếu đưa ra quy định ngăn chặn sự công khai thì chỉ có cách giải thích là bưng bít thông tin.
Nguyên tắc sơ đẳng trong soạn thảo và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật là không để xung đột, mâu thuẫn với các văn bản luật khác. Đối với hoạt động cung cấp thông tin tố cáo tiêu cực hay tố giác tội phạm, từ hiến pháp đến tất cả các đạo luật không có bất kỳ quy định nào ngăn cấm.
Ngay cả đối với tội phạm, liên quan đến các cơ quan tố tụng, luật pháp vẫn không hạn chế quyền tự do cung cấp thông tin. Công dân có thể cung cấp ở bất kỳ hình thức, cơ quan tố tụng có trách nhiệm thu thập thông tin từ báo chí hoặc các cơ quan, các kênh thông tin để có cơ sở điều tra tội phạm.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra quy định trên là thiếu cân nhắc, độc quyền tiếp nhận thông tin là không đúng. Chưa kể, quy định này sẽ triệt tiêu động lực tích cực của việc chống gian lận thi cử.
Kenhtuyensinh
Theo: báo Lao Động