Bộ GD-ĐT bật mí cách ôn thi THPT quốc gia
Dù phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã công bố hơn một tháng nhưng rất nhiều học sinh vẫn băn khoăn về cách làm bài thi trắc nghiệm và số lượng câu hỏi trong từng bài thi. Trước vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ giải thích và chia sẻ bí quyết giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Thưa ông, sau khi phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được đưa ra, dư luận xã hội hết sức băn khoăn về 3 vấn đề. Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn); giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức chủ trì cụm thi. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ giải tỏa những lo lắng trên như thế nào?
Năm 2017, Bộ GD-ĐT thiết kế 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với Giáo dục Thường xuyên).
Bài thi tổ hợp là khối kiến thức của từng phân môn. Bài thi Khoa học tự nhiên sẽ có 40 câu hỏi môn Vật lí, 40 câu hỏi môn Hóa học, 40 câu hỏi Sinh học. Trong quá trình làm bài thi, thí sinh có thể làm hết phân môn này rồi mới chuyển sang phân môn khác để đảm bảo sự công bằng, khách quan trong mục tiêu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Mục tiêu chính của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vẫn là lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ. Đây không phải là kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi. Hàng năm, có khoảng 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Do đó, hình thức thi trắc nghiệm khách quan là phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT Quốc gia.
Nhiều học sinh phàn nàn rằng, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi trắc nghiệm môn Toán khiến cho các em rất khó ôn tập. Ông có lời khuyên nào cho các em?
Việc lựa chọn một phương án thi phải dựa vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là hình thức thi có phù hợp với mục tiêu của cả kỳ thi hay không. Thứ hai là những điều kiện về mặt thực tiễn có phù hợp không. Thứ ba là về mặt lý luận căn cứ khoa học có bảo đảm không. Xem xét những yếu tố này, Bộ GD-ĐT nhận thấy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Thực tế, đề thi trắc nghiệm đã được Bộ GD-ĐT tổ chức thành công từ năm 2007 đối với các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Bộ cũng có sự hướng dẫn với nhà trường sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó quy định rất rõ cách thức biên soạn ngân hàng câu hỏi, sử dụng, làm bài các câu hỏi tự luận, trắc nghiệm.
Riêng với môn Toán, các hình thức trắc nghiệm khách quan cũng được sử dụng với mức độ khác nhau ở các kỳ thi khác nhau. Trong chương trình giáo dục phổ thông, hình thức trắc nghiệm môn Toán cũng được sử dụng trong sách giáo khoa, bài tập cũng sử dụng sau mỗi bài, mỗi chương. Như vậy, hình thức trắc nghiệm khách quan được giáo viên và học sinh làm quen.
Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đều hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc đi lại, giảm áp lực thi cử.
Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần ôn tập trong sách giáo khoa
Nội dung kiến thức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 không có gì thay đổi so với những gì thí sinh định hướng và học trong 3 năm THPT. Vì vậy, các em học sinh hãy yên tâm tập trung học tập, bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa theo kế hoạch năm học thì các em sẽ có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Vậy xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Để tuyển sinh ĐH 2017, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ sử dụng phần mềm để đưa ra danh sách dự kiến thí sinh trúng tuyển với kết quả phù hợp nhất các em. Các trường ĐH, CĐ sử dụng danh sách này và căn cứ vào điều kiện cụ thể của trường mình để quyết định danh sách trúng tuyển. Việc làm này vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh, vừa hỗ trợ các trường ĐH, CĐ khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”.
Xin cảm ơn ông!
Thi trắc nghiệm THPT vẫn được duy trì Ngày 1/1, Bộ GD-ĐT gửi báo cáo về kế hoạch phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 và các năm tiếp theo. Theo đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý. Từ năm 2020 trở đi, phương án thi được tổ chức ổn định, đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Theo ông Nhạ, đổi mới thi và tuyển sinh không thể thực hiện ngay một lần và trong một năm mà phải có các bước đi phù hợp để học sinh và giáo viên kịp thay đổi cách học, cách dạy, tránh gây hoang mang. Cụ thể, năm 2017 Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả tỉnh thành, do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường đại học, cao đẳng hỗ trợ. Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm các môn, trừ Ngữ văn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. |
Theo Dân Việt, nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-gd-dt-bat-mi-cach-on-thi-thpt-quoc-gia-719907.html