Hiện nay, các trường đều đang triển khai việc dạy và học trực tuyến rất chủ động, linh hoạt theo đúng hướng dẫn phòng dịch COVID-19.

Những trở ngại khi dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1

Những trở ngại khi dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1

Học sinh lớp 1 là đối tượng cần được chỉ dạy, uốn nắn trực tiếp, việc học trực tuyến như thế nào là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm.

Đến ngày 21/2, chỉ còn 17 tỉnh, thành cho học sinh các cấp nghỉ đến hết tháng 2 hoặc đến khi có thông báo mới để phòng Covid-19. 14 địa phương đã cho học sinh đến trường từ hôm 17/2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và số còn lại sẽ mở cửa trường học đón học sinh từ ngày 22/2.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết đến thời điểm này Bộ chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh khung thời gian năm học. Tuy nhiên, để chủ động trước mọi tình huống, Bộ đang xây dựng kịch bản dự phòng tương tự năm ngoái, trong đó sẽ có điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học hay lịch các kỳ thi nếu học sinh phải nghỉ học kéo dài.

Bộ GD&ĐT: Việc học trực tuyến được triển khai theo đúng hướng dẫn - Ảnh 1

Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng những kịch bản dự phòng để ứng phó với tình hình dịch COVID-19

Giải thích về việc hiện chưa đặt vấn đề điều chỉnh thời gian năm học, ông Thành cho biết theo báo cáo của các địa phương, việc dạy và học trực tuyến những ngày qua (một số ngày trước Tết và một tuần sau Tết) được triển khai chủ động, linh hoạt theo đúng hướng dẫn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn về việc công nhận thời gian dạy học và điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên khi dạy học trực tuyến. Vì vậy, không đến trường không có nghĩa là học sinh nghỉ hoàn toàn. Các trường vẫn chuyển tải được một phần nội dung chương trình.

"Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, các trường có hai tuần dự phòng (không học hoàn toàn). Hiện, đa số trường chưa sử dụng đến hai tuần này nên việc học sinh dừng đến trường những ngày qua chưa làm ảnh hưởng đến kế hoạch năm học", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, trước khi vào năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Thành cho rằng việc tinh giản này cũng sẽ tạo thêm khoảng rộng để tính toán kế hoạch dạy học khi xảy ra dịch bệnh hay thiên tai, bão lũ.

Trước đó tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 19/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng.

"Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp", Bộ trưởng nói.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, năm học bắt đầu sớm nhất vào ngày 1/9, muộn hơn mọi năm một tháng. Học kỳ I kết thúc trước ngày 16/1/2021; kỳ II trước 25/5/2021 và năm học trước ngày 31/5/2021. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và công nhận tốt nghiệp THCS phải xong trước ngày 15/6/2021; tuyển sinh lớp 10 trước ngày 31/7/2021. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dựa vào khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương xây dựng khung riêng nhưng phải đảm bảo ít nhất 35 tuần thực học đối với giáo dục mầm non và phổ thông. So với mọi năm, cấp THCS và THPT được giảm hai tuần. Đối với giáo dục thường xuyên, các địa phương phải đảm bảo có ít nhất 32 tuần thực học, mỗi kỳ ít nhất 16 tuần.

Theo VnExpress