Nhiều ý kiến cho rằng học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 quá dài Bộ GD-ĐT có nên dừng thi THPT quốc gia, thay bằng việc xét tốt nghiệp không?
> Hơn 30 tỉnh thành cho học sinh nghỉ học dài tránh dịch Covid-19
> Quyền lợi của thí sinh trong kỳ thi tuyển 2020 được đảm bảo tối đa
Điều kiện để vào đại học bằng việc xét tốt nghiệp có khả thi không?
Ông Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), cho rằng phương án xét tốt nghiệp có tính khả thi vì thực sự với thời gian nghỉ kéo dài như hiện nay, giãn cách giữa 2 học kỳ nhiều, việc ôn tập để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ đến là với tâm lý lo lắng vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng tác động tinh thần của các học sinh. Hiện nay Bộ GD-ĐT phải luôn dựa theo, trông đợi vào những ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh để kịp thời thay đổi khung kế hoạch chương trình năm học và thời gian tổ chức thi.
Theo ông Thịnh, việc xét tốt nghiệp về bản chất vẫn đánh giá đúng năng lực học tập của HS vì kết quả học tập được nhìn nhận là một quá trình chứ không chỉ qua một kỳ thi. Ngoài ra, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì việc hạn chế tập trung đông người như hiện nay cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi. Việc HS dùng kết quả THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng hợp lý vì hiện nay các trường đều có những phương thức tuyển sinh riêng.
Nguyễn Mỹ Hương, HS lớp 12D2 Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), chia sẻ: “Với tình hình dịch bệnh có chiều hướng tăng lên như hiện nay thì việc nghỉ học có thể kéo dài. Chính vì vậy, dù thời gian kết thúc năm học sẽ được giãn ra thì HS cũng không thể tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn được”.
Mỹ Hương cho rằng trong trường hợp đó nên chọn cách xét tuyển. Điều này sẽ có lợi đối với những bạn đã cố gắng trong suốt quá trình học tập, không chủ quan lơ là các môn phụ, không chỉ cố gắng thi tốt vào kỳ thi cuối cùng mà phấn đấu trong suốt chặng đường THPT và không phải bạn nào cũng có thể làm được như vậy. “Vì thế mà việc xét tuyển sẽ sàng lọc được các cá nhân đã học tập chăm chỉ để hoàn thiện tốt tất cả các môn học kể cả hoạt động phong trào chứ không có ý nghĩa là chọn ngẫu nhiên hay tùy ý theo cảm tính”, Mỹ Hương nhận định.
Các trường ĐH sẽ bị tác động như thế nào nếu không thi THPT quốc gia?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng đến thời điểm hiện nay dù Việt Nam mới ghi nhận hơn 50 ca bệnh nhiễm Covid-19 nhưng HS cả nước phải nghỉ học hơn 2 tháng, lùi thời gian tổ chức kỳ thi lần thứ 2. Diễn biến dịch nếu không tiếp tục phức tạp, HS trở lại trường vào đầu tháng 4 thì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 8 vẫn có thể diễn ra. Nhưng nếu dịch phức tạp kéo dài hơn nữa thì sự tồn tại của kỳ thi này và các phương án khác thay thế cần được tính đến.
Dưới góc nhìn chuyên gia, theo tiến sĩ Nghĩa, đặt giả thuyết nếu dịch bệnh phức tạp không thể tổ chức kỳ thi, cần tính đến việc công nhận để xét tốt nghiệp khối lượng kiến thức HS được học qua truyền hình hoặc internet. Ngay cả khi HS có đi học và kỳ thi có diễn ra, cũng nên tính đến việc công nhận kiến thức học từ xa để giảm tải chương trình học.
Về kết quả kỳ thi này, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, sẽ có tác động khác nhau tới việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Trong đó, về xét tốt nghiệp, ông Nghĩa nói: “Qua số liệu các năm cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét thì tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy dù không có kỳ thi này thì hầu hết HS đã tốt nghiệp”.
Theo ông Nghĩa, thống kê số liệu xét tuyển ĐH các năm vừa qua cho thấy nguồn tuyển từ kỳ thi này chủ yếu tác động tới khoảng 100 trường ĐH lớn. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường lớn, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ là vấn đề lớn.