Cô giáo Tiếng Anh Lê Thùy Linh, đạt 8.5 IELTS, trong đó có ba kỹ năng 9.0 ở lần thi năm ngoái, chia sẻ về những lưu ý trong quá trình tự học IELTS.
Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội, năm 2018, Linh bắt đầu thi IELTS và từ đó hàng năm cô đều tham dự một lần để mài giũa cũng như cải thiện kết quả. Ngoài lần đầu đạt 8.0, hai lần sau điểm số của Linh đều 8.5. Ở cả ba lần, điểm Reading của Linh đều đạt 9.0. Hiện cô là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội.
Từ kinh nghiệm tự ôn thi và dạy học của bản thân, Linh đưa ra 5 lời khuyên cho những người học IELTS mà không có giáo viên hướng dẫn.
Làm thế nào để tự học IELTS đạt hiệu quả cao?
1. Giải đề một cách cẩn thận
Việc chưa học đã lao vào luyện đề luôn và làm quá nhiều đề sẽ khiến bạn vừa cảm thấy sốc vì độ khó, vừa hoang mang về khả năng của bản thân.
Cách tốt nhất là làm từng bài một cách cẩn thận, hiểu rõ dạng bài và yêu cầu, chưa cần quá nghiêm ngặt về vấn đề thời gian. Sau đó, bạn chữa bài thật kỹ, hiểu lỗi sai ở đâu để lần sau tránh mắc phải, chú ý chất lượng hơn số lượng.
"Bạn hãy nhớ mình đang trong quá trình học, chưa đến quá trình luyện. Hơn nữa, việc luyện đề tràn lan còn khiến bạn hết tài liệu để làm trong thời gian ngắn", Linh cho biết.
2. Tra từ là hoàn toàn được phép
Khi mới làm quen với IELTS, bạn đang trong giai đoạn tập trung tìm hiểu cách làm, dạng bài, vốn từ cũng chưa đa dạng, nên tra từ là việc hoàn toàn được phép. Hãy đi từng bước một, từ hiểu dạng bài, hiểu cách làm sau đó mới thử thách bản thân ở phần từ vựng. Tra từ cũng là một cách để học từ vựng.
Nên dùng từ điển Anh - Anh uy tín (Cambridge hoặc Oxford), thay vì từ điển Anh - Việt vì các nét nghĩa khi dịch sang tiếng Việt không bao hàm hết nét nghĩa của từ tiếng Anh, đặc biệt là các từ trừu tượng.
Bạn cũng nên có một cuốn sổ chia hai cột, một bên là từ trong câu hỏi và một bên là từ (cụm từ) đó được diễn giải ra trong bài. Cách diễn giải này có thể lặp lại trong bài khác.
Ngoài ra, không nên dành quá nhiều thời gian cho các thuật ngữ chuyên ngành (ví dụ các tên khoa học của một lĩnh vực) vì hầu như ít gặp, ưu tiên các động từ vì chúng xuất hiện ở nhiều bài.
3. Không nên chọn tài liệu khó khi mới bắt đầu
Khi mới làm bài, nếu chọn ngay tài liệu khó, bạn sẽ dễ nản và sợ. Nếu đặt mục tiêu điểm không quá cao (dưới 6.5), bạn không cần làm các tài liệu quá khó như Test Plus 1 hoặc một số đề Road to IELTS.
Ban đầu, các bạn có thể làm bộ Baron’s IELTS (làm kỹ, chữa kỹ và học từ vựng chắc), sau đó chuyển qua các cuốn Cambrigde 14, 15 rồi làm The Official Cambridge Guide to IELTS hoặc cuốn Trainer 2; tiếp đến là Test Plus 3, Road to IELTS và Test Plus 1, 2.
4. Không nên cố nhồi nhét
Làm Reading lúc mệt sẽ khó tập trung, vì thế, bạn không nên nhồi nhét, cố làm bằng được mà hãy dành thời gian chất lượng cho nó. Một tuần không nhất thiết ngày nào cũng phải làm một đề, thậm chí một tuần chỉ làm khoảng hai đề nhưng chữa kỹ và rút kinh nghiệm để tiến bộ.
5. Không nên sốt ruột
Sẽ có những khoảng thời gian điểm của bạn lên rất nhanh, nhưng thường với kỹ năng nào bạn cũng dễ có mức "chững", kẹt mãi ở một điểm (đặc biệt ở mức 6.5).
Giải pháp cho vấn đề này là phải kiên trì. "Thời gian để mỗi người vượt qua ngưỡng này có thể khác nhau, nhưng chắc chắn kết quả sẽ cải thiện với người học nghiêm túc. Các bạn không nên sốt ruột bởi mọi việc đều cần thời gian, và não bộ cũng cần thời gian để ngấm kiến thức", Linh chia sẻ.
Theo VnExpress