Bảo lãnh du học Úc và những thủ tục cần chú ý
Nhu cầu bảo lãnh du hoc Uc
Đất nước rộng lớn nhưng dân số chỉ khoảng 24 triệu người, nên Úc có chính sách di dân rộng mở. Người Việt có mặt đông đúc ở Úc trong quãng thời gian 30 năm trở lại đây và được đánh giá là cộng đồng năng động. Bằng chứng là chỉ trong vòng mươi năm định cư, người Việt đã biến vùng đất nửa nông thôn nửa thành thị như khu Cabramatta (Sydney) hay Footscray (Melbourne) thành đô thị buôn bán tấp nập, sầm uất. Có nhiều khu người Việt ở Úc, như Cabramatta, Bankstown, Marrickville tại Sydney hoặc Richmond, Sunshine, Footscray ở Melbourne. Ngoài ra, họ cũng sinh sống, buôn bán rải rác trong trung tâm thành phố, khi thỉnh thoảng du khách bất chợt bắt gặp những nhà hàng phở, quán cơm bảng hiệu tiếng Việt trên những con phố sầm uất bậc nhất như Oxford (Sydney), Swanson (Melbourne). Vì thế, rất nhiều sinh viên Việt Nam có nhu cầu du học Úc vì có người thân, bà con ở đó. Vậy những người này có thể đứng ra bảo lãnh du học Úc cho bạn được không? Thủ tục như thế nào? Tìm hiểu thêm sau đây.
Thủ tục du học Úc có người bảo lãnh như thế nào?
Đối với du học diện bảo lãnh, bạn có thể nhờ một hoặc nhiều người thân ở nước ngoài bảo trợ cho mình. Bạn cần phải chứng minh được mối quan hệ của bạn với người thân ở nước ngoài và chứng minh được người này có đủ khả năng tài chính để bảo trợ cho bạn. Các giấy tờ tài chính bao gồm: giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng, đăng ký kinh doanh, tờ khai thuế, xác nhận tiền lương…
1. Điều kiện người bảo lãnh
- Là công dân Úc hay cư dân vĩnh viễn
- Từ 18 tuổi trở lên
- Đã định cư ở Úc trong một thời gian thích hợp, thường là 2 năm
- Không có tiền án tiền sự
2. Mối quan hệ người bảo lãnh và du học sinh Úc
- Họ hàng (người phối ngẫu, cha/mẹ, con, anh/chị/bạn ruột, ông/bà, cháu, cô, bác, cháu trai, cháu gái, hoặc những người trên theo quan hệ nhận nuôi hoặc mối quan hệ có được sau khi tái hôn)
- Thành viên của quốc hội Úc (khối Commonwealth, tiểu bang hay vùng lãnh thổ)
- Một người được ủy quyền đại diện bộ hay cơ quan của khối Commonwealth, tiểu bang hay vùng lãnh thổ.
- Thị trưởng của chính phủ địa phương
3. Yêu cầu về tài chính của người bảo lãnh
- Người bảo lãnh phải có đủ ngân quỹ để chi trả tất cả các chi phí trong thời gian lưu trú tại Úc, bao gồm cả bảo hiểm sức khỏe nếu được yêu cầu (cung cấp bằng chứng về ngân quỹ).
- Thu nhập tối thiểu người bảo lãnh: 18.610 AUD/năm
- Lưu ý: Nộp đơn xin visa du học Úc cho đối tượng dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý từ cha mẹ không đi cùng hoặc người giám hộ hợp pháp được xác nhận tại chính quyền địa phương, nếu như bạn đi: Một mình hoặc Chỉ với một phụ huynh hoặc người giám hộ pháp lý.
4. Trách nhiệm của người bảo lãnh
- Đảm bảo rằng người thân của họ sẽ tuân thủ tất cả điều kiện của thị thực khi ở Úc, bao gồm cả việc rời khỏi Úc trước khi thị thực hết hạn
- Chịu trách nhiệm về tất cả nghĩa vụ tài chính đối với chính phủ Úc do người thân của họ gây ra trong thời gian lưu trú tại Úc.
- Nếu người thân không tuân thủ tất cả các điều kiện của thị thực, trong hầu hết trường hợp, người bảo lãnh sẽ:
– Không thể bảo lãnh cho một khách ghé thăm khác trong vòng 5 năm.
– Mất tiền đặt cọc bảo đảm.
Bảo lãnh du học Úc và những thủ tục cần chú ý
5. Các giấy tờ cần chuẩn bị khi bảo lãnh du học Úc
Có nhiều cách để chứng minh khả năng tài chính của bạn như: tự bảo lãnh tài chính, người thân ở Việt Nam đứng ra bảo lãnh, hay thân nhân tại Úc bảo lãnh cho bạn. Nếu người thân tại Úc bảo lãnh cho bạn thì người thân phải chuẩn bị các giấy tờ về tài chính theo yêu cầu của Đại sứ quán. Bạn có thể liên hệ văn phòng IOM để tìm hiểu chi tiết hơn, tuy nhiên về cơ bản bạn và người thân bảo lãnh du học Úc cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Bank statement (bản báo cáo tài khoản) trong 3 tháng liên tục với số dư không được dưới số tiền học và chi phí sinh hoạt cho hai năm học, ước tính 62.000 AUD.
- Các giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của người bảo lãnh: Giấy phép kinh doanh; báo cáo tài chính; hóa đơn đóng thuế… để chứng minh là người thân có đủ khả năng tài chính để tài trợ cho bạn.
- Nếu bạn dưới 18 tuổi, và muốn sống trong gia đình người thân thì người đó phải xin xác nhận của cảnh sát địa phương là đủ tư cách để làm người bảo trợ cho bạn cho đến khi bạn tròn 18 tuổi.
Điểm lại những giấy tờ quan trọng phải nộp khi bạn xin cấp Visa sinh viên vào Úc:
1. Mẫu đơn xin Visa: Điền đầy đủ mẫu đơn 157A xin Visa du học, ghi tất cả các chi tiết về quá trình học và nghề nghiệp của quý vị. Mẫu đơn 157A văn phòng IDP sẽ cung cấp cho bạn)
2. 04 ảnh hộ chiếu: ảnh cỡ 4 x 6 cm mới chụp.
3. Tờ khai chi tiết về thân nhân: điền mẫu 67 với đầy đủ chi tiết về tất cả người thân trong gia đình của quý vị ở Việt Nam, ở Úc và các nước khác.
4. Sơ yếu lý lịch bằng tiếng Việt Nam (có xác nhận của chính quyền địa phương): Ghi chi tiết về qúa trình học của quý vị tại tất cả các trường và các khoá học, cùng quá trình làm việc của quý vị.
5. Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có công chứng): Bản sao Sổ hộ khẩu hiện tại của quý vị (đầy đủ các trang).
6. Giấy khai sinh (bản sao có công chứng)
7. Giấy đăng ký kết hôn (bản sao có công chứng) - nếu đã kết hôn
8. Chứng nhận làm việc (nếu đã đi làm): Chứng từ về việc làm hiện nay của quí vị như Hợp đồng lao động hoặc giấy chứng nhận của cơ quan ghi rõ công việc quý vị đang làm và khoảng thời gian quý vị đã làm việc với công ty đó.
9. Thư mời học tạm thời của một trường bên Úc: thư này phải nói rõ là quý vị đã được nhận vào học và phải ghi rõ học phí của khoá học đó. Xin lưu ý rằng đây không phải là thông báo nhập học chính thức, quý vị sẽ được yêu cầu nộp thông báo nhập học chính thức khi hồ sơ của quý vị được tạm chấp thuận.
10.Thư trình bày kế hoạch học tập
11. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm cao nhất
12. Hộ chiếu
13. Chứng chỉ IELTS gốc: Lưu ý: nếu quý vị không đạt được điểm trung bình 4,5 hoặc 5,0 trong kỳ thi IELTS quý vị sẽ không được cấp Visa.
14. Giấy tờ chứng minh tài chính (theo sự chỉ dẫn của nhân viên tư vấn)
15. Lệ phí xin Visa: 425 đô la Úc (Phòng Visa chỉ chấp nhận đôla Úc)
16. Thư xác nhận của người giám hộ (đối với học sinh dưới 18 tuổi): Văn phòng IDP sẽ liên lạc với trường học để giúp quý vị thủ tục này. Trong trường hợp người giám hộ của quý vị là người thân (bố mẹ, anh chị bạn ruột, cô dì chú bác ruột) thì người giám hộ sẽ phải có lý lịch tư pháp (lý lịch này do cơ quan công an tại Úc xác nhận).
Mỗi du học sinh Úc có một hoàn cảnh không giống nhau vì vậy khi tư vấn cho học sinh về thủ tục ghi danh và thủ tục visa du học Úc, người phụ trách thường có nhiều câu hỏi để tìm hiểu về điều kiện của bản thân học sinh và của gia đình. Đối với du học Australia, cơ hội có visa khi chứng minh tài chính từ phía người thân ở nước ngoài hay ở Việt Nam là như nhau. Việc lựa chọn chứng minh từ phía nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, cần phải cân nhắc rất kỹ với mỗi hồ sơ để chứng minh tốt nhất. Các bạn nên được một đơn vị tư vấn du học có kinh nghiệm để tư vấn cho riêng hoàn cảnh của mình một cách rõ ràng hơn.
Những điểm cần chú ý khi xin visa du học Úc
- Quá trình học tập: không nên có khoảng trống quá dài, hạn chế khoảng trống từ 6 tháng trở lên (không đi học, không làm việc – nói chung là ở không).
- Điểm học tập: ít nhất từ 6.0 trở lên. Những hồ sơ có điểm học tập từ 5.0 – 5.9 không có nghĩa là không được cấp visa. Nhưng bạn sẽ cần chuẩn bị tinh thần là lãnh sự sẽ gọi điện về để phỏng vấn (nội dung chủ yếu là về thông tin trường/khóa học, học phí, tài chính của gia đình, lí do vì sao chọn nước Úc, trường và ngành như thế)
- Ngành học ở Úc: phải phù hợp với quá trình học tập của học sinh tại Việt Nam. Nếu bạn chuyển ngành, phải giải thích rõ với lãnh sự vì sao quyết định chuyển ngành. Ngoài ra, bạn phải nói rõ ngành học ở Úc sẽ giúp ích gì cho bạn trong tương lai.
- Tiếng Anh: không nên học tiếng Anh ở Úc quá lâu (con số lí tưởng là 5 – 30 tuần, nếu bạn nào yếu thì có thể học đến 50 tuần; tuy nhiên nếu nhiều hơn 50 tuần thì nên ở Việt Nam học thêm để rút ngắn khóa học tiếng Anh tại Úc và đỡ tốn tiền).
- Hồ sơ thân nhân: có một số bạn nhà tài chính rất mạnh nhưng lại khai bố mẹ làm ruộng. Nhà có 2 con nhưng gia đình tách khẩu nên chỉ còn một con trong hộ khẩu khi đại sứ quán hỏi thì vẫn khai là 2 con. Có gia đình thì đọc mã số thuế sai. Vì thế phần này phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của người khai hồ sơ xin visa cho các bạn.
- Người thân không vi phạm luật visa Úc. Nếu có, phải giải thích rõ ràng với lãnh sự lí do vi phạm nhưng nói chung khi người thân của bạn vi phạm luật visa Úc thì tỉ lệ rủi ro visa là rất cao.
- Bạn không mắc các bệnh truyền nhiễm như lao phổi và HIV/AIDS.
- Tuyệt đối không dùng học bạ giả, bằng cấp giả và giấu diếm thông tin vì lãnh sự Úc có riêng một bộ phận chuyên kiểm tra độ tin cậy của hồ sơ ( đúng ra là bằng cấp thật hay giả, chỉ cần nhìn vào là họ đã biết rồi). Vì vậy, bạn đừng ngại học bạ kém mà đì làm giả vừa tốn kém mà bị loại ngay từ đầu. Bạn cứ thành thật, bạn vẫn được cấp visa như thường.
- Tuyệt đối không đề cập rằng bạn muốn định cư ở Úc sau khi tốt nghiệp. Dù Úc có mong muốn các bạn ở lại định cư, thì vẫn nên nhớ rằng, visa mà bạn đang xin là visa đi học.
- Bạn nên ghi rõ thông tin cá nhân như điện thoại, e mail liên lạc của bản thân và của người bảo lãnh tài chính trong hồ sơ du học Úc, theo kinh nghiệm du học Úc thì văn phòng visa họ sẽ gọi điện trực tiếp liên hệ với bạn hoặc người bảo lãnh tài chính của bạn để làm rõ vấn đề hồ sơ.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các trung tâm dịch vụ tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.