QS là bảng xếp hạng thường niên do Quacquarelli Symonds - công ty giáo dục và du học ở Anh - bình chọn và công bố.
Từ năm 2004-2009, QS hợp tác với tạp chí Times Higher Education để đánh giá, xếp loại các trường. Tuy nhiên, sau đó, hai bên tự có bản công bố riêng.
Đây được coi là một trong những căn cứ đáng tin cậy trong quá trình học sinh, đặc biệt du học sinh, chọn trường.
Điều chỉnh trọng số tạo công bằng giữa các trường
Năm nay, QS xem xét thông tin của 4.388 cơ sở giáo dục đại học, đánh giá 980 cơ sở. Trong đó, 959 trường đủ tiêu chuẩn để xếp hạng tổng thể.
QS thường xuyên tinh chỉnh cách xác định dữ liệu và đánh giá nhằm đưa ra phương pháp hiệu quả và rõ ràng nhất.
Lần này, nhằm đáp ứng sự gia tăng số lượng trường cũng như thích ứng với sự thay đổi từ thị trường lao động, tiêu chí về sự đánh giá của người sử dụng lao động được điều chỉnh, chú trọng hơn đến quan điểm của chủ lao động trong nước. Thời gian hiệu lực của số lần trích dẫn, bài báo khoa học cũng được kéo dài.
Cụ thể, danh tiếng học thuật có trọng số lớn nhất - 40%. Theo khảo sát của QS, phần này tập hợp ý kiến của hơn 70.000 chuyên gia giáo dục đại học về chất lượng giảng dạy, nghiên cứu tại các trường.
Đây có thể coi là cuộc khảo sát ý kiến khoa học lớn nhất thế giới cả về quy mô lẫn phạm vi.
Tiêu chí thứ hai, danh tiếng của sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng (hay đánh giá của người sử dụng lao động đối với cựu sinh viên) chiếm 10%.
Đào tạo đại học giúp người học chuẩn bị những giá trị cần thiết cho thị trường lao động. Do đó, việc khảo sát ý kiến người sử dụng lao động là phần quan trọng trong đánh giá một cơ sở giáo dục.
Ở tiêu chí này, QS tiến hành khảo sát, yêu cầu chủ lao động nhận xét sinh viên tốt nghiệp trường nào có năng lực tốt, sáng tạo và làm việc hiệu quả nhất. Họ thu được hơn 30.000 phản hồi, trở thành bản khảo sát người sử dụng lao động lớn nhất thế giới.
Trước đây, phản hồi từ chủ lao động nước ngoài chiếm 70%, trong nước chiếm 30%. Năm nay, trọng số này thay đổi, trong nước chiếm 50%.
Tỷ lệ giảng viên/sinh viên là tiêu chí thứ 3 và chiếm 20%.
Với sinh viên, chất lượng giảng dạy là thước đo quan trọng nhất khi đánh giá một trường đại học. Trên thực tế, yếu tố này rất khó xác định.
QS căn cứ vào tỷ lệ giảng viên/sinh viên vì cho rằng đây là số liệu giúp đánh giá chất lượng giảng dạy hiệu quả nhất. Nó đánh giá mức độ sinh viên có thể tiếp cận sự giúp đỡ, hướng dẫn từ giảng viên, trợ giảng. Tỷ lệ này càng lớn, áp lực học tập của sinh viên càng giảm.
Tiêu chí thứ 5, số bài báo khoa học công bố/giảng viên có trọng số 20%. Tiêu chí này được xác định bởi số bài báo khoa học công bố giảng viên trường đó nhận được trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, do các lĩnh vực có đặc thù xuất bản khác nhau, QS chuẩn hóa tiêu chí thứ 5. Ví dụ, bài báo khoa học lĩnh vực Triết học được đánh giá khác so với bài báo về Giải phẫu học hay Sinh lý học. Điều này đảm bảo hai bài báo có giá trị như nhau trong đánh giá chất lượng nghiên cứu của trường.
Đây cũng là sự thay đổi so với bảng xếp hạng các năm trước khi thời hạn 5 năm tính số bài báo khoa học bao gồm cả năm công bố bảng xếp hạng. Ví dụ, bảng xếp hạng năm ngoái tính bài báo xuất bản từ năm 2011 đến 2016.
Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc bài báo khoa học được xem xét cho bảng xếp hạng năm nay được xuất bản từ 2011 đến 2016. Bảng xếp hạng năm sau sẽ xem xét giai đoạn 2012-2017. Tất cả dữ liệu trích dẫn được lấy từ Scopus, kho dữ liệu học thuật lớn nhất thế giới.
Tiêu chí cuối cùng là tỷ lệ giảng viên nước ngoài và tỷ lệ sinh viên quốc tế. Mỗi phần nhỏ có trọng số 5%.
Theo QS, trường đại học có chỉ số quốc tế cao sẽ chiếm lợi thế lớn. Nó chứng tỏ khả năng thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đồng thời cho thấy trường có thương hiệu quốc tế tốt.
Nó cũng mang lại môi trường giảng dạy, học tập, sinh hoạt đa quốc gia, tạo cơ hội để giảng viên, sinh viên có nhận thức toàn cầu.
Đa dạng trong xếp hạng
Ngoài ra, QS còn được đánh giá cao bởi sự đa dạng trong xếp hạng. Trước hết, Quacquarelli Symonds không chỉ xếp theo thứ tự từ cao đến thấp mà còn tiến hành gắn sao đánh giá các trường.
Trên thực tế, tất cả trường ở tốp đầu đều đạt đánh giá 5 sao hoặc 5 sao cộng (mức cao nhất).
Xếp hạng này cung cấp cho người học thông tin chi tiết trong quá trình chọn trường. Căn cứ vào đó, họ có thể chọn ngôi trường phù hợp năng lực, sở thích bản thân.
Theo cách xếp hạng này, các trường được đánh giá dựa trên 50 chỉ số, phân vào 11 nhóm bao gồm nghiên cứu, giảng dạy, việc làm sau tốt nghiệp (đánh giá từ người sử dụng lao động, tỷ lệ sinh viên có việc làm, chương trình hỗ trợ việc làm cho sinh viên), quốc tế hóa, cơ sở vật chất, đào tạo từ xa, trách nhiệm xã hội, tính sáng tạo, văn hóa và nghệ thuật, hỗ trợ sinh viên, sự xuất sắc về lĩnh vực nhất định.
Bên cạnh việc đánh giá tổng thể, QS còn xếp hạng các trường theo lĩnh vực đào tạo.
Năm nay, công ty này xếp hạng cho 46 lĩnh vực như Nghệ thuật và Nhân văn, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Đời sống và Y khoa, Khoa học Tự nhiên, Tài chính và Kế toán, Nông - Lâm nghiệp, Giải phẫu học và Sinh lý học, Kiến trúc...
Việc xếp hạng này cũng dựa trên 6 tiêu chí cơ bản nhưng chỉ tập trung đánh giá theo từng lĩnh vực.
Như vậy, thứ hạng của các trường không chỉ cho người xem cái nhìn tổng quan về chất lượng trường đó mà còn giúp họ phát hiện thế mạnh của trường.
Ví dụ, theo bảng xếp hạng năm 2018, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng thứ nhất về tổng chung. Nhưng ở lĩnh vực Nghệ thuật và Nhân văn, trường chỉ đứng thứ 16 trên toàn thế giới, đứng thứ 29 về đào tạo Ngôn ngữ, Văn học.
Ngoài ra, QS cũng có bảng xếp hạng riêng cho các đại học trẻ - 50 Under 50 - nhằm xác định những ngôi trường được thành lập chưa đến 50 năm tốt nhất thế giới.
Bảng xếp hạng này được công bố lần đầu vào năm 2012 và thay đổi rõ rệt qua từng năm do nhiều trường trong danh sách vượt qua số tuổi 50.
Ngoài bảng xếp hạng thế giới, QS cũng tiến hành đánh giá các cơ sở giáo dục đại học theo vùng, bao gồm châu Mỹ Latin, châu Á, các nước Arab, các quốc gia thuộc khối kinh tế lớn mới nổi BRICS, khu vực Trung Á và các nước châu Âu mới nổi (EECA).