>> Giáo dục, tuyển sinh, nguyện vọng bổ sung, điểm chuẩn đại học
Thiếu nhân lực trầm trọng dẫn đến đào tạo tràn lan, bát nháo là những vấn đề đáng lo ngại của ngành y tế ĐBSCL.Đâu cũng thiếu
Ngày 12.8, tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo tỉnh thành, sở y tế của 13 tỉnh thành ĐBSCL đã tham dự hội nghị về đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2013.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy y bác sĩ của khu vực này thiếu trầm trọng nếu so với mật độ dân số. Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam, đến năm 2010 phải đạt trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ ĐH/vạn dân. Chỉ tính đến hết năm 2011, để đáp ứng đủ nhân lực theo quyết định trên, ĐBSCL đã thiếu trên 3.000 bác sĩ và hơn 600 dược sĩ.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trên, lãnh đạo các địa phương kiến nghị Trường ĐH Y Dược Cần Thơ xin thêm chỉ tiêu đào tạo. Qua khảo sát các tỉnh ĐBSCL, năm 2013, tổng nhu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng hệ chính quy cho tuyến y tế cơ sở, các chuyên khoa khó tuyển dụng và các huyện khó khăn là 821 người; nhu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng hệ liên thông là 1.278. Số lượng trên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ở các địa phương.
Thả nổi chất lượng đào tạo
Từ thực tế hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL đều thiếu nhân lực y tế nên nhiều cơ sở đào tạo trong vùng đã trình Bộ GD-ĐT xin xét tuyển ngành y, dược. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở thiếu cán bộ giảng dạy, trang thiết bị y tế, thực nghiệm trong khi đó đầu vào quá dễ dãi.
Theo PGS-TS Phạm Văn Lình, chỉ riêng từ năm 2011 - 2013, ĐBSCL có 13 trường đào tạo, trong đó có 11 trường ngoài công lập đào tạo nhân lực y tế. Riêng bậc ĐH, ngoài Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thành lập năm 2002, từ năm 2011 đến nay, ĐBSCL có thêm các trường như: ĐH Trà Vinh, ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), ĐH Tây Đô (Cần Thơ), ĐH Tân Tạo (Long An), ĐH Nam Cần Thơ (Cần Thơ) cũng tham gia đào tạo nhân lực y dược.
Ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, bức xúc: “Các trường ngoài công lập lấy điểm quá thấp, chủ yếu đặt lợi ích kinh tế còn chất lượng đào tạo thì đang bị thả nổi. Đào tạo như vậy vừa mất công vừa cho ra một đội ngũ nhân lực không đáp ứng được nhu cầu”. PGS-TS Phạm Văn Lình khẳng định: “Có những trường ngoài công lập đào tạo đa ngành mà mở một lúc 4 chuyên ngành y khoa thì không biết chất lượng ra sao?”. Cũng theo ông Lình, hiện ở các trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần bằng điểm sàn tức 14 điểm là có thể đi học bác sĩ, dược sĩ. Trong khi đó, ở nhiều trường trung cấp cơ hội học tập còn dễ dàng hơn, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, thậm chí hoàn thành chương trình lớp 12 đều có khả năng trúng tuyển.
Theo: Thanhnien - tin bài gốc