Năm 2022, số lượng học sinh thi tăng nhưng số lượng lớp học lại không đủ. Các học sinh và phụ huynh đang chịu áp lực khá lớn trong kì tuyển sinh đầu cấp này.
Từ ngày 1/7, TP Hồ Chí Minh bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh đầu cấp, các khối mầm non, tiểu học và THCS. Năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai ở 6 khối lớp nên việc bố trí cho học sinh học đủ 2 buổi/ngày sẽ khá áp lực. Thậm chí, một số quận huyện ở TP Hồ Chí Minh sẽ phải giảm số lớp học 2 buổi ở khối 4,5 để nhường chỗ cho học sinh khối lớp nhỏ hơn có đủ chỗ học.
Chị Trinh có hộ khẩu ở Quận 11 nhưng lại sinh sống và làm việc tại Quận Bình Tân. Vì vậy, chị phải chạy tới, chạy lui tìm trường cho con vào lớp 1. Mong muốn của chị là tìm trường có nhận học sinh bán trú để gửi con đi làm.
Áp lực tuyển sinh đầu cấp ở TP Hồ Chí Minh 2022
Nhiều phụ huynh lo lắng do quận Bình Tân đông công nhân, người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống làm việc trong các khu công nghiệp, mỗi năm, quận tăng thêm trung bình gần 10.000 học sinh mới nhưng trường lớp xây dựng mới rất hạn chế.
Mặc dù có rất nhiều trường tiểu học có đến 4.000 - 5.000 học sinh nhưng năm học tới cũng chỉ có duy nhất một ngôi trường được đưa vào khai thác mới và chia sẻ áp lực học sinh gia tăng ở những trường xung quanh. Để đưa vào khai thác 1 ngôi trường, quận phải tận dụng cải tạo sửa chữa từ nhà thiếu nhi cũ trước đây.
Năm học tới, nhiều quận vùng ven, đông con em công nhân như Tân Phú, Quận 12, Bình Tân tăng thêm từ vài ngàn đến hàng chục ngàn học sinh. Việc sắp xếp đảm bảo học 2 buổi/ngày theo chương trình phổ thông mới không dễ dàng. Một số trường phải giảm số học sinh khối lớp 4,5 xuống 1 buổi/ngày để nhường chỗ cho khối lớp nhỏ hơn học 2 buổi.
Để tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày, một số quận nỗ lực đưa vào khai thác thêm nhiều trường học mới. Tại Quận Tân Bình, có thêm 7 trường mới, chia sẻ bớt áp lực cho các trường là điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp.
Như tại phường 2, năm học mới có gần 400 học sinh vào lớp 1 nhưng lại có 1 trường tiểu học đang xây dựng chưa xong, do đó, phải mượn thêm địa điểm khác để đảm bảo chỗ học.
Theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện nay một số quy định về diện tích đất/học sinh tối thiểu chưa phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố.
Ngoài ra, dù đã có quy hoạch đất cho giáo dục và dự án xây dựng mới trường học nhưng kinh phí để xây dựng hoặc đền bù giải diễn ra rất chậm, không theo kịp so với sự gia tăng học sinh mỗi năm, thậm chí một số trường vùng ven phải bố trí học cả thứ 7 và tỉ lệ học 2 buổi rất thấp.
> Đã có điểm chuẩn lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
> Từ kết quả thi lớp 10, thay đổi cách dạy và học ra sao?
Theo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)