Chỉ số cảm xúc (EQ) thấp không chỉ ảnh hưởng đến việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vậy làm sao để nhận ra người có EQ thấp cần cải thiện? Mời bạn cùng tìm hiểu 7 biểu hiện của người có EQ thấp qua bài viết sau đây nhé!
1. Không biết kiểm soát cảm xúc
Một trong những điểm nổi bật của trí tuệ cảm xúc là khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Vì thế, người có chỉ số cảm xúc thấp thường gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc. Theo đó, họ dễ nổi giận và khó làm chủ cơn giận, đồng thời họ không thể điều hòa cảm xúc và dễ bộc phát đột ngột. Nhược điểm này khiến người có EQ thấp thường gặp vấn đề trong các mối quan hệ công việc, gia đình và xã hội.
Người có EQ thấp thường gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc của bản thân.
2. Luôn nghĩ mình đúng
Người có chỉ số cảm xúc thấp luôn cho rằng mình đúng và không chấp nhận ý kiến trái chiều từ người khác. Sự cố chấp này của họ thể hiện tinh thần không muốn tiếp thu, học hỏi cái mới và hòa hợp với môi trường xung quanh. Từ đó, họ dễ bị xa lánh, thậm chí là bị sa thải khỏi nơi làm việc.
3. Thường đổ lỗi, không chịu trách nhiệm
Người có EQ thấp thường từ chối chịu trách nhiệm với những hành vi của bản thân. Một khi phạm lỗi, họ có xu hướng đổ lỗi cho người khác, thay vì sửa đổi để hoàn thiện bản thân. Chính điều này thể hiện họ thiếu trách nhiệm trong công việc và cuộc sống, từ đó đánh mất sự tín nhiệm từ mọi người.
4. Giao tiếp kém, khó xây dựng các mối quan hệ
Người có chỉ số cảm xúc kém thường né tránh những cuộc trò chuyện và khá thờ ơ với cảm xúc của người khác. Ngoài ra, họ cũng lúng túng, e ngại khi giao tiếp với người khác. Nhược điểm này khiến người có EQ thấp khó tạo dựng và duy trì các mối quan hệ quan trọng trong công việc và cuộc sống.
Người có trí thông minh cảm xúc thấp thường gặp khó trong việc giao tiếp với người khác
> 11 cách rèn luyện khả năng giao tiếp ứng xử, làm chủ mọi tình huống
5. Gặp trở ngại khi làm việc nhóm
Quá trình làm việc nhóm cần có sự tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các thành viên. Trong khi người có EQ thấp thường ưu tiên ý kiến và suy nghĩ của bản thân, vì thế họ gặp khó khăn khi làm việc nhóm, thậm chí ảnh hưởng đến kết quả của tập thể.
6. Không tôn trọng cảm xúc của bản thân và người khác
Người có chỉ số cảm xúc thấp thường khó nhận biết và đồng cảm với cảm xúc, hành động, lời nói của người xung quanh. Vì thế, họ không nhận biết được rằng hành động, lời nói của bản thân gây tổn thương hay khó chịu cho người khác. Điều này khiến người có EQ thấp mất kết nối, thậm chí là tạo ấn tượng xấu với người khác.
Người có EQ thấp thường không nhạy bén với cảm xúc, hành vi và lời nói của người khác, từ đó họ thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác.
7. Thích nói hơn nghe
Trong cuộc trò chuyện, người có chỉ số cảm xúc thấp thường thích nói về bản thân hơn là lắng nghe người khác. Ngay cả khi đến phần người khác trình bày, họ cũng tìm cách để chia sẻ về quan điểm của mình nhằm thu hút sự chú ý từ tập thể. Tuy nhiên, đây là hành động bất lịch sự và thiếu tôn trọng với người đối diện.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết người có EQ cần cải thiện. Từ đó có thể thấy, chỉ số cảm xúc đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta làm chủ bản thân, đưa ra các quyết định đúng đắn và xây dựng các mối quan hệ xã hội cần thiết. Do đó, cải thiện chỉ số EQ là chìa khóa để bạn trở thành phiên bản hoàn hảo hơn, sở hữu những mối quan hệ “chất lượng” và hướng tới cuộc sống hạnh phúc, thành công trọn vẹn.
> IQ và EQ chỉ số nào quan trọng hơn?
> EQ cao là gì? 7 dấu hiệu của người có EQ cao
Nguồn bài viết tham khảo: 7 Biểu hiện của người có EQ thấp - LCV