Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin 37 bài thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho khối THPT ở Bình Phước đạt điểm 0.
Lâu nay chúng ta bàn nhiều đến vấn đề cải cách giáo dục, đã có không ít các ý kiến, giải pháp được đưa ra đến nâng cao chất lượng dạy và học. Không thể phủ nhận những thành quả mà nền giáo dục đã đạt được trong suốt thời gian qua, tuy nhiên, vấn đề chất lượng giáo dục đang là dấu hỏi lớn đối với cả xã hội.
Trường THPT Đồng Xoài - Bình Phước có tới 6 em bị 0 điểm.
Giỏi mà chưa giỏi
Đó là ý kiến của rất nhiều người, kể cả các chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục khi bình luận về con số 37 bài thi của học sinh đạt điểm 0 trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh ở Bình Phước. Thế nhưng, đây không phải là sự việc đáng buồn đầu tiên trong các kỳ thi học sinh giỏi. Trước đó, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Thanh Hóa năm học 2012 - 2013 đã có 58 thí sinh đã không được công nhận kết quả vì gian lận trong khi thi.
Theo đó, tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Thanh Hóa - nơi vốn sản sinh ra nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế diễn ra vào ngày 15/3/2013, khi làm phách, chấm thi, những người được phân công nhiệm vụ không khỏi bàng hoàng, ngạc nhiên khi phát hiện ra 58 bài thi có dấu hiệu gian lận. Cụ thể, tại bài thi của các môn Toán, Lý, Văn, Lịch sử... Điểm mặt các trường THPT liên quan gồm: Hàm Rồng (11 bài môn Văn), Quảng Xương 4 (9 bài), Thạch Thành 1 (5 bài); Nguyễn Xuân Nguyên (10 bài môn Vật lý), Hoằng Hóa 3 (3 bài), Sầm Sơn...Theo thông tin từ hội đồng chấm thi, 58 bài thi của các thí sinh thuộc các trường trên đã có dấu hiệu đánh dấu bài giống nhau bằng cách viết N.Văn thay vì Ngữ văn ngay sau bài làm, làm hết 3 tờ giấy thì ghi 3 lần, hết 4 tờ thì ghi 4 lần hoặc ghi câu hỏi bằng chữ. Ví dụ: Câu một, câu hai... thay vì câu 1, câu 2 như thường lệ. Sự việc gian lận này đã được phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tỉnh Thanh Hóa xác nhận.
Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc chấn động này, sở GD - ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ra quyết định hủy 58 bài thi trên vì vi phạm quy chế thi.
Trước khi vụ việc chấn động 37 bài thi học sinh giỏi cấp tỉnh Bình Phước "dính" điểm 0, đã có không ít ý kiến nghi ngại đến chất lượng của các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh tại một số địa phương. Không đến mức có tới 37 bài thi học sinh giỏi nhận điểm 0 như tỉnh Bình Phước, kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Tây Ninh vẫn đang giữ vị trí số 2 với 14 thí sinh bị điểm 0.
Sự việc diễn ra tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh Tây Ninh vừa qua. Trong số 79 học sinh dự thi môn Toán, có tới 14 thí sinh bị điểm 0 và nhiều bài thi dưới 5. Đáng chú ý là trong số này có cả thí sinh từng đoạt giải nhất, nhì, ba... tại kỳ thi huyện. Điều này dấy lên làn sóng thắc mắc của dư luận về việc chọn lựa đội tuyển thi học sinh giỏi.
Vừa qua, sở GD&ĐT Bình Phước đã có kết quả kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Một lần nữa kết quả này khiến dư luận sửng sốt vì có tới 37 bài thi trong tổng số hơn 15.000 bài thi dính điểm 0. Ngoài ra có gần 1.000 thí sinh dự thi đạt điểm dưới 10 (theo thang điểm 20) và 37 thí sinh bị điểm 0.
Số học sinh bị điểm kém rơi vào các trường như: THPT Dân tộc nội trú tỉnh (1 thí sinh bị điểm 0 môn Tin học trong tổng 29 học sinh dự thi), THPT chuyên Quang Trung (3 thí sinh dưới điểm 10 trong tổng 123 học sinh dự thi), THPT Đồng Xoài (88 thí sinh dự thi thì có 6 học sinh bị 0 điểm môn Tin học).
Theo thông tin từ Sở này, kỳ thi được tổ chức vào ngày 3/10 vừa qua trong số 1.537 em dự thi, có 561 em có điểm thi từ 10 đến 20. Số còn lại có điểm thi dưới 10 là 976 em. Hai môn điểm thi thấp nhất là Tin học (76) và Công nghệ (92). Đặc biệt ở môn Lịch sử, 30 em có điểm từ 1,25 đến 6.
Trao đổi với báo chí ngày 23/10, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước cho biết, lãnh đạo Sở này đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo nguyên nhân về việc 37 học sinh thi học sinh giỏi bị điểm 0 (thang điểm 20).
>> Bức tử học sinh vì bệnh thành tích?
Chạy theo thành tích?
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục những sự việc đáng buồn tại các kỳ thi học sinh giỏi là do chạy theo bệnh thành tích. Bệnh này không chỉ là vấn đề riêng của ngành giáo dục mà còn là vấn nạn của xã hội. Chỉ nhìn cụ thể vào kỳ thi học sinh giỏi toán Olympic quốc tế hàng năm có thể thấy rõ điều này. Ngay cả đến báo chí, thông tin đại chúng vẫn thường đưa tổng số em đoạt giải, xếp thứ hạng chung toàn đoàn để rồi "vui" hay "buồn" theo tỉ lệ phần trăm đoạt giải. Điều này vô hình trung đã gây áp lực lớn cho các em học sinh và các thầy cô. Mục đích ban đầu của kỳ thi chỉ là tạo cơ hội cho các em học sinh các nước có đam mê với môn học này được giao lưu, gặp gỡ và trao đổi lẫn nhau. Thế nhưng, chính tâm lý chung xã hội đã đang làm cho mục đích này trở thành thứ yếu, khiến cho nhiều cơ sở, cấp giáo dục dù không muốn, vẫn phải "đua". Ngoài một số nước như Việt Nam, Trung Quốc thì đại đa số các quốc gia khác, thành tích toàn đoàn không được tính là điều quan trọng nhất.
GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục) bày tỏ, đã có không ít địa phương, ít trường đang gò ép học sinh giỏi và "bắt" các em phải giỏi. Thậm chí có những trường còn tìm mọi cách để "tăm đề", đoán đề, tủ đề trong quá trình ôn luyện học sinh thi học sinh giỏi. Cứ có thông tin về thầy, cô nào được Bộ, Sở mời ra đề thi, lập tức sở Giáo dục các tỉnh sẽ đánh tiếng để mời về luyện cho bằng được. Theo dõi "gu" ra đề, theo dõi động tĩnh của các thầy cô được mời ra đề là "chuyện bình thường".
Theo phân tích của GS. VS. Phạm Minh Hạc, có lẽ cùng với việc cải cách giáo dục một cách sâu rộng chúng ta cần xem xét lại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Rõ ràng việc ghi nhận, vinh danh những học sinh giỏi, học sinh xuất sắc tại các cấp học là điều cần thiết đối với bất cứ nền giáo dục nào. Tuy nhiên, nếu làm không nghiêm túc, không khoa học thì sân chơi vốn danh giá này lại dễ trở thành những cuộc đua thành tích mà trong đó có những người chơi không đẹp. "Hàng năm chúng ta vẫn có những cuộc thi học sinh giỏi Toán quốc gia, quốc tế nhưng những học sinh đoạt giải sau này tiếp tục cống hiến cho ngành toán còn lại được bao nhiêu? Đến giờ chúng ta vẫn chỉ có một Ngô Bảo Châu mà thôi. Như vậy, cần phải đánh giá lại mục đích của việc thi học sinh giỏi cho đúng", GS. VS. Phạm Minh Hạc phân tích.
Trao đổi về những con số đáng buồn này, PGS. Văn Như Cương cũng cho rằng đây chính là căn bệnh trầm kha của nền giáo dục. PGS. Cương còn cho biết thêm "Đây là căn bệnh nan y của ngành giáo dục. Tôi còn được nghe thông tin có trường còn cho người đi nghe ngóng thông tin về kỳ thi để về luyện học sinh cho giật nhiều giải".
Phát biểu tại một hội nghị bàn về bệnh thành tích trong giáo dục, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm thẳng thắn phát biểu: "Về thực trạng giáo dục, tôi xin được nói thẳng thắn là hỏng ở các cấp học, trên khắp các bình diện, hỏng một cách căn bản và toàn diện. Giáo dục Việt Nam theo tôi đang mắc bốn trọng bệnh: Bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh suy dinh dưỡng và bệnh gian dối. Bệnh thành tích là nguồn gốc đầu tiên dẫn đến gian dối.
Đáng trách hơn, là ở người lớn
37 thí sinh dính điểm 0, đó rõ ràng là một con số đáng buồn, buồn vì có những học sinh giỏi mà chưa giỏi, nhận "trứng ngỗng" trong một kỳ thi được cho là danh giá. Thế nhưng, đáng buồn cho các em một thì đáng trách những người lớn đang chạy theo thành thích, "bắt" "ép" học sinh mình phải giỏi gấp nhiều lần. Xin đừng "ép" đừng biến các em học sinh thành điểm thi đua cho các thầy cô giáo.
Theo: doisongphapluat