Du học Mỹ: 3 yêu cầu quan trọng quyết định được nhận học tại Mỹ
1.Kết quả học tập: Việc so sánh kết quả học tập ở Việt Nam với Mỹ là không hề dễ dàng, nhất là đối với những sinh viên đã tốt nghiệp bằng Cử nhân trong nước.
Không có một bảng hướng dẫn so sánh cụ thể về cấp bậc đào tạo giữa các nước. Vì thế, nếu quan tâm đến một chương trình học nào đó, bạn cần liên hệ với trường để trình bày những môn học, chuyên môn đã từng theo học ở Việt Nam và hỏi họ xem bạn có khả năng được nhận vào trường hay không.
Cách tốt nhất để liên hệ với nhà trường là viết một lá thư hay email kể về những thắc mắc của bạn, thay vì gọi điện. Cách làm này sẽ giúp bạn hạn chế các thiếu sót trong khi nói điện thoại và cũng để các bộ phận có thể chuyển tiếp thông tin cho nhau dễ dàng.
Du học Mỹ: 3 yêu cầu quan trọng quyết định được nhận học tại Mỹ
2. Trình độ tiếng Anh: Đối với những bạn nhắm Mỹ làm điểm đến du học, TOEFL là bài kiểm tra bạn nên chọn thi. Những năm gần đây, IELTS đã được nhiều cơ sở đào tạo của Mỹ chấp nhận nhưng vẫn không phổ biến bằng TOEFL.
Mỗi trường sẽ có những yêu cầu điểm “sàn” khác nhau. Có nhiều trường khá linh động trong việc “châm chước” cho những đơn đăng ký thiếu một ít điểm cho mức yêu cầu, nhưng cũng có trường rất nghiêm ngặt. Quan trọng là bạn phải thử thuyết phục họ bằng những lí lẽ như “Đã từng làm việc cho công ty nước ngoài”, “Vẫn đang theo học lớp tiếng Anh ở trung tâm vào buổi tối”…
Một nhân viên chuyên nhận hồ sơ của sinh viên quốc tế ở Mỹ cho biết, nếu điểm TOEFL yêu cầu là 650, ông vẫn chấp nhận những ứng viên đạt điểm giữa 645 và 650, tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, số điểm 645 không bao giờ được ông châm chước.
3. Tài chính: Để nhận được một tấm bằng của Mỹ sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều nỗ lực và tiền của!
Một trong những điều khá “nhiêu khê” ở các trường Đại học là bạn chỉ có cơ hội đăng ký học bổng một khi đã được nhận vào trường, điều đó nghĩa là bạn phải nộp học phí rồi mới được xét duyệt việc cấp học bổng.
Nhiều du học sinh vì thế đã phải tìm đến những nguồn chi phí khác:
Làm việc ở trường Đại học: Một số Luật thuế và Luật nhập cư không cho sinh viên quốc tế làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Tuy nhiên, họ vẫn có thể làm thêm tại trường. Tiền lương nhận được theo dạng việc làm này thường ổn định và đôi khi còn giúp bạn giảm được học phí. Một khi đã được nhận vào trường, bạn nên kiếm ngay cơ hội làm việc trên khu campus.
Học bổng hay trợ giảng: Hai nguồn hỗ trợ này có điểm mạnh là thường được làm mới hàng năm. Miễn đạt kết quả yêu cầu, bạn sẽ nhận được học bổng (fellowship) vào năm sau đó. Vì thế, học bổng thường dành cho những sinh viên thực sự giỏi giang, thường bao gồm tiền học phí và đôi khi là cả sinh hoạt phí. Trong khi đó, ngoài phí trợ giảng (assistantships) cũng như học bổng nhưng bạn còn được trả thêm tiền làm việc hay trợ giảng cho một giáo sư trong khoa. Công việc của một trợ giảng có thể bao gồm cả việc nghiên cứu cá nhân, đứng lớp, hướng dẫn sinh viên bậc Cử nhân… Khi làm trợ giảng, có khả năng bạn sẽ không được miễn học phí và các khoản chi khác, nhưng khoản tiền lương nhận được của vị trí này có thể giúp bạn chi trả những phần trên.
Học bổng. Scholarship chỉ được cấp theo một năm. Người nhận học bổng dạng này không cần phải làm bất cứ công việc gì để “hồi đáp”. Tuy nhiên, thường thì những học bổng này chỉ bao gồm học phí mà không có phí sinh hoạt. Giá trị học bổng rất đa dạng, có thể chỉ dưới 500$ nhưng cũng có khi cả chục ngàn dollars.
8 địa chỉ cung cấp thông tin hữu ích ở các trường Đại học khi du học Mỹ
Các “đầu mối” thông tin trên khu học xá (campus) sẽ hỗ trợ vấn đề học tập cũng như đời sống bản địa cho sinh viên quốc tế.
1.Văn phòng sinh viên quốc tế: Đa số các trường Đại học ở nước ngoài đều có một văn phòng dành riêng cho sinh viên quốc tế (International Student Office) với các chuyên gia về cả vấn đề học tập và đời sống sinh viên. Những thắc mắc về vấn đề giấy tờ nhập cư, học bổng, lựa chọn môn học thường được trao đổi tại đây. Ngoài ra, ISO cũng thường tổ chức các hoạt động ngày lễ đa văn hóa, đi tham quan, du lịch để giúp sinh viên hòa nhập với văn hóa địa phương.
2. Các giáo viên: Tại Mỹ, các giáo viên thường rất cởi mở với sinh viên của mình nên bạn không nên quá lo ngại khi tham gia phát biểu hoặc hỏi han họ sau giờ lên lớp. Một số thầy cô thích trả lời thắc mắc của sinh viên qua email, nhiều người lại thích những cuộc hẹn “mặt đối mặt” ở văn phòng.
3. Cố vấn học tập (Academic Adviser): Rất nhiều trường Đại học ở Mỹ cho phép sinh viên mình đăng ký các khóa học tự chọn (đôi khi không liên quan đến chuyên ngành chính họ đang theo đuổi). Vì vậy, bạn có thể liên hệ cố vấn học tập để nhờ trợ giúp về vấn đề này.
4. Trung tâm tư vấn (Counseling Center): Khi có bất cứ vấn đề gì về việc áp lực, căng thẳng trong học tập, sốc văn hóa hay bị cô lập khi vừa chân ướt chân ráo vào Đại học, bạn nên tìm tới trung tâm tư vấn đề được hướng dẫn cách vượt qua những khó khăn này.
5. Trung tâm hỗ trợ kỹ năng viết (Writing center): Mặc dù đã có trong tay tấm bằng ngôn ngữ cho phép bạn vào học một trường Đại học tại Mỹ (TOEFL, IELTS…) nhưng điều này không có nghĩa là kỹ năng viết của bạn đã hoàn hảo. Nếu cảm thấy chưa tự tin, hãy tìm đến trung tâm này để cùng luyện viết với các sinh viên khác về cấu trúc, ngữ pháp tiếng Anh, cách nghiên cứu bài luận…
6. Trung tâm hỗ trợ việc làm (Career Services Center): Sinh viên quốc tế không hẳn sẽ có cùng mục tiêu việc làm như sinh viên bản địa, vì thế trung tâm sẽ giúp bạn tìm ra những đáp án việc làm hay thực tập phù hợp. Đây là nơi sẽ mang lại cho bạn nhiều ý tưởng việc làm phù hợp với nhu cầu và năng lực bản thân.
7. Trung tâm dịch vụ pháp lý (Legal Services Center): Nếu bạn có vấn đề rắc rối đến pháp luật hay đơn giản là tò mò về các bộ luật của Mỹ, nhớ ghé ngang trung tâm và để đặt câu hỏi cho các nhân viên ở đây. Từ thắc mắc về vấn đề nhập cư đến quy định đời sống (về việc đổi bằng lái Việt Nam để sử dụng tại Mỹ chẳng hạn) đều được giải đáp ở đây.
8. Hội sinh viên (Student Union): Cách dễ nhất để gia nhập cộng đồng sinh viên trong trường là kết bạn thông qua hội sinh viên hoặc đăng ký vào các hoạt động thể thao, giải trí của hội. Một lời khuyên “cũ” nhưng luôn có giá trị đó là “Hãy cố gắng tách khỏi nhóm sinh viên “đồng hương” của bạn để kết bạn với sinh viên đến từ mọi miền thế giới khác.
Bạn đọc quan tâm tới các trường ĐH tại Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.