TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - THÔNG TIN TUYỂN SINH - GIÁO DỤC

Tốt nghiệp đại học với 15 chứng chỉ kỹ năng vẫn bị “chê”

“Một sinh viên ở một trường ĐH lớn ở TP.HCM cho tôi thấy em này có tới 15 chứng chỉ kỹ năng khi vừa tốt nghiệp và cho rằng đã tự tin đi làm. Tôi nói rất ngưỡng mộ việc học của em nhưng nếu là doanh nghiệp, tôi sẽ không nhận”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM kể về một câu chuyện ông chứng kiến khi gặp sinh viên của một trường ĐH ở TP.HCM.

Câu chuyện được ông kể nhân Chương trình “Doanh nghiệp và sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2012” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 8.12 tại Thủ Đức, TP.HCM.

“Dù có đến bốn bằng đại học hay bao nhiêu chứng chỉ kỹ năng đi nữa nhưng không có kỹ năng va chạm thực tế thì sinh viên cũng khó xin việc làm”, ông Tuấn nói thêm.

 

sinh viên làm thêm,  20% sinh viên gặp khó khăn khi xin việc làm

20% sinh viên khá và giỏi gặp khó khăn khi xin việc làm - Mô hình lớp học chất lượng cao tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được hy vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp


20% sinh viên gặp khó khăn khi xin việc

Theo ông Tuấn, vấn đề việc làm là điều quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, thanh niên gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nhiều người chưa biết cách tìm hiểu việc làm phù hợp với năng lực, thậm chí chưa biết cách làm hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn tuyển dụng.

Với kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM về nhu cầu tìm việc làm của trên 10.000 sinh viên từ năm 2009 - 2012, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm.

Số 20% sinh viên còn lại tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo.

Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% sinh viên vẫn phải làm việc trái nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.

Giỏi kiến thức, doanh nghiệp chỉ chấm tối đa 40%

Câu chuyện ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Tuyển dụng và phát triển nhân sự Tập đoàn Tân Hiệp Phát, lại cho thấy kiến thức ở trường học chỉ chiếm 40% khả năng thành công khi đi xin việc làm.

Ông Tuấn kể: Khi công ty có nhu cầu tuyển dụng, ông chọn 200 sinh viên ở một trường ĐH, nhưng chỉ tuyển được 40 sinh viên. Trong số đó, chỉ có 10 sinh viên có thể đáp ứng được 60% yêu cầu công việc, 30 sinh viên còn lại chỉ được đánh giá ở mức trung bình.

Ông Tuấn cho biết: “Với một sinh viên, học rất tốt thì cũng chỉ đạt 40% số điểm mà thôi. Chúng tôi đưa ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá một sinh viên khi ra trường bên cạnh kiến thức”.

Những tiêu chuẩn quan trọng ông đưa ra lần lượt là năng lực làm việc chủ động, tốc độ làm việc, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, dịch vụ khách hàng, cam kết với mục tiêu cao, tư duy sáng tạo.

Ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc Ngân hàng Mitsubishi UFJ Việt Nam cũng cho rằng: “Khi sinh viên ra trường, kiến thức em đó có là điều đương nhiên. Nhưng việc ứng dụng kiến thức đó vào thực tế thì sinh viên lại gặp khó khăn”.

Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm của người lao động Việt Nam là những gì ông Masaki cho rằng cần cải thiện.

Tự xác định bản thân

TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nhà trường không thể dạy hết tất cả những kiến thức cần có cũng như tất cả kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang và sẽ cần.

Vì vậy, khi các trường đã đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên sẽ chủ động lựa chọn môn học cho mình. Việc này sẽ tạo ra sản phẩm có tính thích nghi cao với thị trường lao động.

TS. Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho rằng ngày nay, việc sinh viên ra trường không nhất thiết phải đúng ngành nghề, trừ một số ngành đặc thù. Ở các trường ĐH nên tính đến việc đào tạo liên ngành, sinh viên buộc học các môn chính và tự chọn các môn chuyên ngành. Hoặc cho sinh viên được lấy 2 bằng ĐH trong thời gian đào tạo 5 - 6 năm.

“Tạo điều kiện để sinh viên rút ngắn thời gian đào tạo nhưng có thêm nhiều kỹ năng cần thiết sẽ giúp các em ra trường đỡ khó khăn hơn” - ông Phước chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng mỗi doanh nghiệp có nhu cầu lao động khác nhau nên không thể đòi hỏi các trường đào tạo sinh viên đáp ứng được ngay công việc đó. Trong khi đó, các trường ĐH chỉ có thể đào tạo kiến thức chung. Vì vậy, điều quan trọng là sinh viên biết định hướng và tăng cọ xát thực tế để có kỹ năng sống cho bản thân.

Việc làm thời vụ cuối năm giảm 30% so với năm 2011

Nhu cầu lao động thời vụ cuối năm 2012 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2011 là 50.000 nhu cầu việc làm thời vụ trong khi năm 2012 chỉ có 35.000). Nhu cầu tuyển dụng thời điểm cuối năm 2012 được các doanh nghiệp tính toán chặt chẽ, chú trọng chất lượng, trình độ tay nghề...

Dự báo ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất năm 2013 là marketing-kinh doanh-bán hàng (chiếm hơn 27%), nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ (chiếm gần 20% nhu cầu nhân lực).

Nhóm ngành CNTT - điện tử - viễn thông, quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo, dệt - may - giày da, tài chính - kế toán - kiểm toàn - đầu tư - bất động sản - chứng khoán chiếm tỷ lệ hơn 6,5%.

(Theo Phân tích thị trường lao động năm 2012 và nhận định xu hướng nhu cầu nhân lực năm 2013 tại TP.HCM của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Tin HOT: ti le choi, ty le choi, du hoc my, du hoc anh, du hoc uc, du hoc singapore, tieng anh, hoc tieng anh, thi tot nghiep, diem thi tot nghiep thpt, diem thi dai hoc, diem chuan dai hoc, diem chuan, diem thi

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Báo thanh niên )