Nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn du học tại Hàn Quốc bởi vị trí địa lý và mong muốn phát triển kỹ năng Ngôn ngữ Hàn. Mách bạn 14 điều bạn nên biết trước khi chọn du học Hàn Quốc.
Bạn đã nắm được những lưu ý khi du học tại Hàn Quốc chưa?
1. Trường học luôn chào đón bạn
Trường đại học Hàn Quốc ngày càng cạnh tranh về các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế khi tuyển sinh viên ngoại quốc. Nhóm sinh viên này tạo ra nguồn thu tốt, đồng thời nâng cao hình ảnh nhà trường trên phạm vi toàn cầu. Các trường được phép tuyển không giới hạn sinh viên ngoại quốc, trong khi Bộ Giáo dục đặt chỉ tiêu cụ thể về số lượng sinh viên bản địa.
2. Hầu hết các trường đều yêu cầu tiếng Hàn
Trừ khi muốn tham gia chương trình trao đổi sinh viên hoặc sắp sửa nhận bằng thạc sĩ, bạn phải có trình độ tiếng Hàn nhất định. Hầu hết trường đại học Hàn Quốc yêu cầu chứng chỉ TOPIK 4 (tương đương trình độ trung cấp) hoặc cao hơn. Các chương trình thạc sĩ cũng yêu cầu tương tự, tuy nhiên có sự nới lỏng tùy thuộc vào ngành bạn chọn.
3. Chỉ có số ít lớp học giảng dạy bằng Tiếng Anh
Bạn sẽ được dạy bằng tiếng Anh, nhưng là tiếng Anh của các giáo sư người Hàn. Người Hàn nói tiếng Anh không thật sự tốt, do đó việc thông thạo tiếng Hàn sẽ có lợi khi bạn muốn tìm sự giúp đỡ từ bạn học.
4. Chi phí học tập và nhà ở tại Hàn Quốc tương đối rẻ
Đặc biệt khi bạn đến từ Mỹ, các khoản chi phí thường khá dễ chịu. Trung bình học phí một năm ở trường đại học Hàn Quốc là 6,7 triệu won (khoảng 6.000 USD). Nhà ở trong khuôn viên trường có mức phí khoảng 700 nghìn won (625 USD). So với học phí khoảng 22.000 USD cho một năm học đại học tại Mỹ thì việc đặt chân đến Hàn Quốc trở nên rất hợp lý.
5. Không phải tất cả trường đều được đánh giá ngang nhau
Mọi học sinh trung học Hàn Quốc đều mang 3 chữ S.K.Y vào giấc ngủ. Đây là 3 chữ cái viết tắt của 3 trường đại học hàng đầu: Seoul National University (Đại học quốc gia Seoul), Korea University (Đại học Hàn Quốc) và Yonsei University (Đại học Yonsei). Có thể đối với ngành học của bạn, đây không phải là 3 trường tốt nhất, tuy nhiên bằng đại học từ 3 trường này có giá trị rất lớn cho sự thành công tại xứ sở kim chi. Các trường cũng có sự cạnh tranh rất khốc liệt.
6. Sinh viên tại Hàn Quốc ít áp lực học hành hơn
Sinh viên Hàn Quốc đã quá quen với việc học tập không ngừng nghỉ sau những năm trung học. Cho đến khi lên đại học, nhiều người lần đầu tiên sống xa nhà và có ít áp lực học hành như trước. Do vậy, họ tổ chức tiệc tùng khá thường xuyên.
7. Áp lực từ các sinh viên năm cuối
Ở các trường trung học, học sinh các khối hiếm khi học cùng nhau, tuy nhiên ở trường đại học thì ngược lại. Sinh viên lớp dưới gọi sinh viên lớp trên là tiền bối, xem như cố vấn và làm theo mọi thứ được chỉ dẫn. Điều này bao gồm việc bị rủ rê nhậu nhẹt đến tận nửa đêm.
8. Nhận được sự giúp đỡ từ tiền bối
Mặt khác, các tiền bối (sunbae) thường đãi hậu bối (hubae) bữa trưa, bữa tối hoặc mời uống nước, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những vấn đề mà hậu bối gặp phải. Các tiền bối rất nghiêm túc trong việc giúp đỡ đàn em và sẵn sàng giúp đỡ khi có yêu cầu.
9. Nhiều cơ hội làm thêm trong trường học
Nhiều sinh viên đại học ở Hàn Quốc làm thêm để trang trải chi phí. Các trường có nhu cầu thuê lượng lớn sinh viên làm những việc lặt vặt trong khuôn viên trường. Là người nước ngoài, những cơ hội làm thêm này luôn chào đón bạn. Những công việc ở ngoài thường rất khó để kiếm được, ngoại trừ làm gia sư.
10. Hẹn hò theo phong cách Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, việc đi lướt qua người bạn thích, đưa số điện thoại, khẽ hất đầu kèm lời nhắn "gọi cho tôi nhé" thường không diễn ra. Cách phổ biến nhất là tham gia các cuộc hẹn theo nhóm. Một nhóm nữ sẽ gặp gỡ một nhóm nam, qua cuộc hẹn sẽ cảm nhận ai là người phù hợp với mình. Cũng có những cuộc hẹn riêng tư hơn, được gọi là blind date (buổi hẹn của những đôi chưa bao giờ gặp nhau) do bạn bè sắp xếp. Các tổ chức sinh viên cũng là nơi người độc thân có cơ hội tìm được một nửa của mình.
11. Chuyển trường khi học Đại học là điều khó khăn
Bộ Giáo dục giới hạn số lượng sinh viên người Hàn Quốc được chuyển trường mỗi năm. Lý do là phần lớn sinh viên mong muốn được chuyển sang những trường có chất lượng tốt hơn trường mình theo học. Với sinh viên nước ngoài, bạn cần học đại học ít nhất hai năm trước khi chuyển vào một trường đại học của Hàn Quốc. Nếu muốn chuyển giữa các trường đại học ở đất nước này thì phải học lại từ đầu, không thể chuyển ngang.
12. Đỗ đại học và học được ngành mình muốn là hai chuyện khác nhau
Điều này chỉ đúng với sinh viên Hàn Quốc. Ngay cả khi đã được nhận vào trường, bạn sẽ phải làm một bài thi chất lượng nhằm xác định chuyên ngành có đủ khả năng theo học. Trường hợp mong muốn trở thành kỹ sư nhưng không đủ điểm ở môn toán cơ bản, bạn sẽ không được theo học ngành đó. Nếu bạn đạt kết quả tốt với ngành kế toán và thiếu điểm với ngành sư phạm, hoặc là bạn phải học ngành đủ điểm, hoặc bạn phải theo học trường khác.
13. Bạn cần ít nhất một ngành chính và một ngành phụ
Hầu hết sinh viên đại học ở các trường S.K.Y cần đăng ký một ngành chính và một ngành phụ. Chẳng hạn bạn có thể phải học Kinh tế khi đăng ký chuyên ngành Xã hội học. Điều này đồng nghĩa bạn phải hoàn thành nhiều bài tập hơn so với giáo trình học ở nước mình.
14. Điều chỉnh và thích nghi
Đừng cố gắng biến cuộc sống sinh viên ở Hàn Quốc thành như ở quê nhà. Khả năng điều chỉnh để thích nghi với nhịp sống của sinh viên Hàn Quốc là chìa khóa thành công khi sống ở đất nước này. Bạn sẽ trải qua những cú sốc văn hóa, kể cả khi đã xem rất nhiều bộ phim Hàn Quốc thì cuộc sống thực tế ở đây vẫn khiến bạn phải vất vả để làm quen. Hãy học cách thuận theo dòng chảy tự nhiên, trở thành du học sinh Hàn Quốc sẽ là trải nghiệm tuyệt vời.
> Điểm danh 4 việc cần làm trước khi du học Anh
> Chia sẻ về những câu chuyện khiến sinh viên Việt bớt lo lắng dịch bệnh tại Mỹ
Theo VnExpress