>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015
Hàng ngàn thí sinh chen nhau nộp - rút hồ sơ đăng ký xét tuyển - Ảnh: Như Hùng |
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, ĐH Quốc gia TP.HCM đã có những buổi làm việc chính thức với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT về phương án cải tiến tuyển sinh.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã có những tham luận và bài trình bày chính thức tại các hội thảo khoa học tìm phương án cải tiến tuyển sinh. Đồng thời ĐH này cũng đã có công văn và đề án chính thức gửi Bộ GD-ĐT từ 2014.
Sai lầm về nguyên lý tuyển sinh
Kỳ thi THPT quốc gia và đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm nay có mặt được và chưa được. Điều cần ghi nhận ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay là khả năng tổ chức một kỳ thi thống nhất trên toàn quốc một cách nghiêm túc. Sự phối hợp tốt giữa các trường ĐH, CĐ với các sở, ban ngành trong tổ chức kỳ thi và đã tạo được cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc.
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần điều chỉnh, đó là: sự kết hợp của hai kỳ thi thành một dẫn đến mục tiêu của kỳ thi không rõ ràng, hậu quả là chỉ đáp ứng được mục tiêu xét tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh ĐH 2015. Đề thi chưa được xây dựng khoa học, chưa áp dụng được khoa học đo lường đánh giá nên không đánh giá chính xác được năng lực (kiến thức, kỹ năng) cần thiết để học đại học cho thí sinh. Đề thi chưa định hướng học tập đúng đắn cho thí sinh.
“Bộ GD-ĐT chưa có sự chuẩn bị kỹ về các phương án sử dụng công nghệ ICT (phần mềm, đường truyền, kỹ năng quản lý). Sự không nhất quán và sự chỉ đạo kém khoa học trong khâu tổ chức thi: cho dời ngày nộp hồ sơ, cho điều chỉnh thông tin trong ngày thi. Đặc biệt là sự can thiệp quá sâu của Bộ GD-ĐT trong khâu xét tuyển của các trường” - ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, nguyên nhân gây rối ren xếp theo thứ tự ảnh hưởng từ thấp đến cao bao gồm:
Thứ nhất, do Bộ GD-ĐT muốn quản lý các trường quá chặt, quản về cả quy trình lẫn số liệu thí sinh trong khi không hiểu được đặc thù cụ thể của các trường, trình độ quản lý cơ sở dữ liệu không tốt, bộ phận xây dựng phần mềm không có kinh nghiệm về tuyển sinh, phần mềm không được kiểm chứng và điều chỉnh chu đáo trước kỳ thi.
Thứ hai, do sai lầm về nguyên lý tuyển sinh, việc đánh giá thí sinh chỉ dựa vào một thang đo duy nhất là bài thi kiểm tra kiến thức, không coi trọng các yếu tố quan trọng khác là kỹ năng và thái độ.
"Việc cho thí sinh đăng ký bốn nguyện vọng vào một trường, đồng thời cho phép rút và nộp hồ sơ sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi cao trúng tuyển, tuy nhiên sẽ tạo cơ hội cho xu hướng chỉ cần vào được ĐH, không cần biết là vào trường nào, vào ngành nào, có phù hợp với bản thân hay không. Như vậy thang đo về thái độ đã hoàn toàn không được để ý tới" - ông Chính nhận định.
Giải pháp nào cho tuyển sinh?
“Theo tôi, không nên gộp chung hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong một kỳ thi. Phần thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các sở GD-ĐT tổ chức. Tốt nhất là xét tốt nghiệp dựa trên đánh giá toàn quá trình học lớp 10, 11, 12. Chỉ tổ chức một kỳ thi chung để đánh giá năng lực của thí sinh. Phát huy các ưu điểm của lần tổ chức thi vừa rồi: thí sinh đăng ký tại sở GD-ĐT; các trường ĐH tổ chức thi. Kết quả thi được tập trung thành một cơ sở dữ liệu chung như cho phép mọi trường truy cập” - ông Chính đề nghị.
Theo đó, thí sinh dùng kết quả của kỳ thi chung để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các trường dùng kết quả thi như một tiêu chí xét tuyển, có thể chủ động bổ sung các tiêu chí khác phù hợp với đặc thù của trường, của ngành.
Trong giai đoạn hiện nay khi năng lực quản lý và tổ chức của các trường chưa được đồng nhất thì Bộ GD-ĐT cần đóng vai trò điều phối (nhưng không can thiệp) vào quá trình tuyển sinh.
Về kỹ thuật xét tuyển, để tránh ảo nhưng đồng thời tạo cơ hội cho các học sinh có năng lực cao, sau kỳ thi mỗi thí sinh được phát ba giấy chứng nhận kết quả. Thí sinh dùng giấy này để nộp xét tuyển vào tối đa ba trường ĐH, CĐ, mỗi trường được đăng ký hai nguyện vọng.
Các trường xét tuyển theo nhiều đợt thống nhất, thí sinh có thể trúng tuyển cùng một lúc nhiều trường trong một đợt và được chủ động chọn trường để nhập học. Sau mỗi đợt xét nguyện vọng, thí sinh không trúng tuyển sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường khác ở các đợt tiếp theo.
Theo Tuổi trẻ,, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/xet-tuyen-roi-ren-do-bo-gddt-co-nhieu-sai-lam/958176.html