Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM làm thủ tục trước buổi thi kiểm tra năng lực sáng 3-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho hay theo thống kê phân bố điểm của Bộ GD-ĐT, năm nay số thí sinh có tổng điểm thi THPT quốc gia ba môn theo các tổ hợp môn truyền thống dùng để xét tuyển (số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên) có số lượng hơn 400.000 (tính cả ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực), giảm khoảng 120.000 so với năm 2015.
Trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi, khoảng 320.000. Điều này dự báo điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường sẽ giảm so với năm trước.
Trường tốp trên điểm chuẩn sẽ giảm
Theo TS Nghĩa, bên cạnh đó, số lượng thí sinh ở phân khúc điểm cao giảm mạnh so với năm trước nên dự báo điểm chuẩn 2016 của những ngành, những trường ở mức cao của năm 2015 có thể sẽ giảm từ 0,5-2 điểm trong năm 2016.
Trong khi đó, các ngành, các trường có mức điểm chuẩn 15-18 điểm ở năm trước có thể không bị tác động vì số lượng thí sinh có tổng điểm xét tuyển ở phân khúc này tuy cũng giảm nhưng vẫn còn khá lớn so với chỉ tiêu trong phân khúc.
Vì vậy dự báo điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành, các trường ở mức này năm 2015 cũng sẽ ổn định trong năm 2016.
Cùng quan điểm này, ThS Trương Tiến Sĩ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết so sánh phổ điểm năm nay và năm trước cho thấy năm 2015, số thí sinh đạt từ 7,5 điểm/môn rất lớn, nguồn tuyển của các trường tốp trên dồi dào nên điểm chuẩn rất cao.
Trong khi đó, số thí sinh đạt từ 7 điểm/môn năm nay không nhiều nên dự kiến điểm chuẩn các trường tốp trên sẽ giảm.
Năm nay, việc được nộp hai trường khác nhau, mỗi trường hai nguyện vọng là điều thuận lợi lớn cho thí sinh, không còn cảnh hỗn loạn nộp, rút hồ sơ như năm trước. Tuy vậy, việc không công khai danh sách thí sinh nộp hồ sơ lại là điểm bất lợi rất lớn cho thí sinh.
TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay năm 2015, khoảng 95% thí sinh nộp hồ sơ vào trường đều trúng tuyển do danh sách thí sinh nộp hồ sơ được công khai hằng ngày, những thí sinh thấy mình không còn khả năng sẽ rút hồ sơ, phổ điểm của các ngành rất hẹp do đó điểm chuẩn cao.
Năm nay không công bố danh sách nên thí sinh không biết mình nằm ở vị trí nào nên phổ điểm của ngành sẽ rất rộng và điều này dự báo điểm chuẩn vào trường có thể giảm từ 0,5-2 điểm.
“Những thí sinh có điểm thi THPT quốc gia thấp hơn điểm chuẩn năm 2015 từ 1-2 điểm nên tự tin nộp hồ sơ vào ngành mình thích. Nguyên tắc là nên chọn ngành 2 có điểm chuẩn năm 2015 thấp hơn ngành 1.
Ở trường thứ 2, thí sinh nên chọn trường có điểm chuẩn năm 2015 thấp hơn trường 1 để tăng khả năng trúng tuyển ngay từ đợt đầu tiên” - ông Thông nói.
Các trường lo chống “ảo”
Với việc thí sinh được nộp hai trường, mỗi trường hai ngành trong đợt đầu tiên, về lý thuyết, tỉ lệ thí sinh ảo ở các trường lên đến 50%. Điều này khiến các trường phải tính đến nhiều giải pháp khác nhau để chống ảo, nhất là các trường tốp giữa.
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết trong nhóm ngành kinh tế có nhiều trường ĐH đào tạo. Những năm qua, có trường điểm chuẩn cao hơn, có trường điểm chuẩn tương đương Trường ĐH Tài chính - marketing.
Năm nay, tỉ lệ ảo sẽ rất lớn khi thí sinh được nộp hai trường. Điều này khiến các trường phải tính toán để có thể gọi đủ thí sinh nhập học.
“Trong phiếu đăng ký xét tuyển, nếu thí sinh có đăng ký xét tuyển vào trường khác, trường sẽ phân loại. Thí sinh nộp vào trường có điểm chuẩn năm trước cao hơn Trường ĐH Tài chính - marketing sẽ được xếp vào danh sách ảo bởi nếu trúng tuyển cả hai trường, khả năng lớn là thí sinh sẽ không chọn học marketing.
Điều này cũng hàm chứa nhiều rủi ro nhưng đó là cách để giảm ảo, cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1” - ông Tuấn nói.
Các trường khác cũng sử dụng phương pháp này để giảm ảo trong kỳ tuyển sinh năm nay. ThS Trương Tiến Sĩ cho hay căn cứ vào điểm chuẩn năm 2015, kỳ tuyển sinh năm nay những thí sinh đạt điểm chuẩn các trường cao hơn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm 2015 sẽ được trường đưa vào dạng thí sinh ảo, chỉ xét những thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn các trường kia. Dĩ nhiên, thí sinh điểm cao có thể trúng tuyển hai trường và chọn học Trường ĐH Ngân hàng.
Với tình hình xét tuyển năm 2016, rất nhiều trường, kể cả các trường tốp trên, nếu không tính toán kỹ có thể phải xét đến nguyện vọng bổ sung.
Tương tự, ông Phạm Thái Sơn - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết trường phải thống kê điểm chuẩn các ngành trường đào tạo và các trường có điểm chuẩn cao hơn, từ đó loại bớt những thí sinh có nộp vào trường điểm chuẩn cao hơn để giảm ảo.
Cũng có khả năng thí sinh đậu trường có điểm chuẩn cao hơn nhưng chọn học ĐH Công nghiệp thực phẩm dẫn đến lượng thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu cần tuyển và có thể bị phạt.
Tốp giữa điểm chuẩn sẽ không biến độngĐối với các trường tốp giữa, điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều bởi năm nay số lượng thí sinh có mức điểm từ 5-6 điểm/môn rất nhiều, nguồn tuyển của nhóm trường này tương đối dồi dào. “Có thể nói cơ hội học ĐH, CĐ của thí sinh năm nay rất lớn, quan trọng là cân nhắc thế nào để trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Một điểm thay đổi đáng kể trong kỳ tuyển sinh năm nay là điểm chuẩn của đợt 2 có thể thấp hơn đợt 1 chứ không bắt buộc không được thấp hơn như năm trước. Do đó, thí sinh không trúng tuyển đợt 1 vẫn còn rất nhiều cơ hội trúng tuyển đợt 2 vào những trường tốt bởi với quy định xét tuyển năm nay, tỉ lệ ảo của các trường sẽ rất nhiều” - ông Sĩ nói thêm. |