Cân nhắc kỹ
Đôi mắt chăm chú, bàn tay click liên tục con chuột máy tính, Phan Nguyễn Minh Thảo (học sinh lớp 12, Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ) gõ dòng chữ: http://thithpt1.ctu.edu.vn/, ngay lập tức giao diện tra cứu điểm thi THPT quốc gia 2016 của Hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ hiển thị trên màn hình.
Minh Thảo điền nhanh số báo danh, mã xác nhận và nhấn vào “kết quả” thì điểm các môn thi của Thảo hiển thị: Toán (7,25 điểm), Văn (7,75 điểm), Lý (7,2 điểm), Hóa (6,4 điểm), Sinh (6,4 điểm).
Minh Thảo cho biết: “Em định ĐKXT vào ngành Hệ thống thông tin của Trường ĐH Cần Thơ (khối A: Toán, Lý, Hóa). Em chọn ngành này vì điểm thi của tổ hợp 3 môn xét tuyển tương đối tốt, khả năng trúng tuyển sẽ cao. Mặt khác, ngành này là ngành em yêu thích; gia đình cũng định hướng em nên chọn ngành này”.
Nguyễn Quốc Duy (bạn học cùng lớp với Minh Thảo), cho biết: Em dự định ĐKXT nguyện vọng 1 vào ngành Logistics (khối A1, với 25,3 điểm) của Trường ĐH Quốc tế TP Hồ Chí Minh.
Nguyện vọng 2, em chọn ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Khi đi vào chuyên ngành, em cũng chọn Logistics. Em chọn ngành này là vì ngành mới, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp cao.
Với số điểm ở các môn thi không cao (khối A1: 16,5 điểm) nên mấy ngày nay em Huỳnh Thu Hà (quê Cà Mau) lo lắng khi lựa chọn ngành học.
Dự định ban đầu của Thu Hà là nộp hồ sơ vào ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành phiên dịch - biên dịch tiếng Anh) của Trường ĐH Cần Thơ, nhưng khi tìm hiểu điểm chuẩn trúng tuyển năm 2015 khá cao (22 điểm).
Ông Nguyễn Văn Kiên, cậu ruột của Hà, nói thêm: “Cậu cháu tôi đang tìm thông tin tuyển sinh của các trường cao đẳng ở Cần Thơ. Do điểm thi không cao nên chúng tôi phải biết lượng sức chọn ngành, trường phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình”.
Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở các trường, so với những năm trước, nhóm ngành “nóng” (như Kinh doanh, Y - Dược, Công nghệ…) nay đã bớt “nóng”.
Điều này cho thấy, thí sinh có sự thay đổi hơn trong việc chọn lựa ngành nghề phù hợp. Xu thế chọn ngành nghề của thí sinh thường “né” các ngành có số lượng thí sinh ĐKXT nhiều hoặc điểm chuẩn cao, cơ hội đậu - rớt mong manh.
Lượng sức chọn ngành
TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập, một phân hiệu ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, 6 trường cao đẳng. Đó là chưa kể hệ thống các trường trung cấp, trường nghề, trung tâm dạy nghề gần như “có mặt” ở trên địa bàn thành phố.
Do đó, ngưỡng cửa vào ĐH hoặc cơ hội được học bậc trung cấp, nghề của thí sinh không quá khó. Điều quan trọng là thí sinh biết lượng sức chọn ngành, trường phù hợp. Hiện nay, các trường ĐH (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ…) hay CĐ (Cần Thơ, Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ…) đã công bố chỉ tiêu, ngành nghề tuyển sinh năm 2016, cũng như điểm chuẩn xét tuyển các ngành năm 2015 trên trang web của từng trường.
Năm nay, Trường ĐH Cần Thơ tuyển 8.200 sinh viên cho 75 ngành ĐH hệ chính quy (trong đó Sư phạm Tin học là ngành mới); trường dành 860 chỉ tiêu 11 ngành học tại khu Hòa An.
Trường vẫn xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của thí sinh; không quy định môn thi chính; không sơ tuyển học bạ, hạnh kiểm và không xét tuyển những tổ hợp môn thi mới.
Điểm xét tuyển tối thiểu bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và không môn nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống.
Điểm xét tuyển được xác định từ tổng điểm 3 môn thi do thí sinh chọn từ các tổ hợp môn xét tuyển của ngành học, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Những thí sinh có điểm xét tuyển trong cùng 1 ngành bằng nhau thì được xét tuyển như nhau.
Bên cạnh nhóm trường xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2016, còn nhóm trường khác dựa vào học bạ lớp 12 của thí sinh, theo đề án tuyển sinh riêng như Trường ĐH Tây Đô, Nam Cần Thơ, CĐ Cần Thơ...
Theo ông Nguyễn Chí Trung - Tổ trưởng Tổ tuyển sinh Trường CĐ Cần Thơ, tuyển sinh năm 2016 có một số thay đổi nên thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin từ nhiều nguồn (phương tiện truyền thông, website của Bộ GD&ĐT, của trường, báo giaoducthoidai.vn) để lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trước đây gọi là điểm sàn) bậc CĐ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi ĐKXT vào các trường CĐ.
Ông Trung cho biết: Mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng nên cần cân nhắc chọn ngành nghề phù hợp năng lực. Khi nộp hồ sơ xong, thí sinh có thể tra cứu thông tin trên website của trường để biết vị trí và khả năng trúng tuyển.
Do vậy, thí sinh không nên đợi gần kết thúc thời gian ĐKXT mới nộp hồ sơ như những năm trước. Vì nộp hồ sơ sớm hay muộn trong thời gian quy định điều có giá trị xét tuyển như nhau.
Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) lưu ý: Thí sinh cần xem kỹ và ghi đúng mã ngành, tổ hợp môn xét tuyển vào trường, cũng như sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi bản chính về trường đúng thời gian quy định (khi nộp hồ sơ chỉ cần nộp bản photocopy).
Quan trọng hơn, thí sinh nên xem điểm chuẩn trúng tuyển ngành, trường ở năm trước có quá cao hoặc bằng với điểm tổ hợp môn mà mình đang có để lượng sức chọn ngành học phù hợp.
Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-2016-thi-sinh-than-trong-chon-nganh-chon-truong-2132340-b.html