Khó tồn tại đến khi đổi mới tuyển sinh
Đây là nỗi lo của các nhà tuyển sinh khối các trường đại học ngoài công lập khi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 là năm “thất bát” nghiêm trọng, đặt nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể.
Kéo dài tuyển sinh không giải quyết được tình trạng thiếu đầu vào khối ngoài công lập (Ảnh minh họa)
Có phải chỉ vì thương hiệu kém?
Đại diện hơn 40 các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) phía Bắc và phía Nam đã họp vào sáng 19-12 để cùng phân tích và kiến nghị về tình trạng tuyển sinh èo uột của năm 2012. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, đúng là thực tế có một số trường NCL hoạt động kém chất lượng, chưa tạo được uy tín đối với người học. Đây cũng là lý do mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra để giải thích cho việc các trường NCL không thể tuyển đủ chỉ tiêu năm nay, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên.
“Lý do Bộ GD-ĐT giải thích là vấn đề thương hiệu, thí sinh chỉ chọn trường có uy tín, chất lượng là chưa bao quát hết. Nhiều trường NCL đầu tư cơ sở vật chất rất tốt như ĐH Tân Tạo, đội ngũ giảng viên và lãnh đạo có uy tín trong ngành, vậy mà năm nay chỉ tuyển được vài chục sinh viên. Nhiều trường hoạt động nhiều năm nay khẳng định chất lượng tốt cũng trong tình trạng khan hiếm đầu vào. Vậy vấn đề ở đây còn là từ phía khách quan, trong đó có nguyên nhân từ chính sách tuyển sinh của Bộ GD-ĐT” - ông Lê Viết Khuyến khẳng định.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng đánh giá: “Cải tiến của Bộ GD-ĐT thực chất là cải lùi. Bộ cho kéo dài thời gian tuyển sinh, cho phép các trường công lập hạ điểm chuẩn xuống đến điểm sàn. Nếu thí sinh không đủ học hệ ĐH thì xin xuống CĐ với mức điểm không phải là 13 mà là 10 thì còn thí sinh nào vào NCL?”. Đồng tình, ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng trường ĐH Phương Đông cho rằng chưa nói đến chất lượng, thương hiệu trường NCL thì với mức điểm tuyển vào cùng bằng điểm sàn, rõ ràng thí sinh sẽ chọn vào công lập hết. “Bộ GD-ĐT luôn đòi các trường phải minh bạch, công khai thì tôi cũng đề nghị Bộ công khai số liệu tuyển sinh năm nay xem những thí sinh nào đạt điểm sàn đã đi học và chưa đi học. Nếu số thí sinh bằng và trên sàn còn nhiều mà không vào trường nào thì đó là do các trường NCL. Còn nếu chỉ còn rất ít thí sinh bằng và trên điểm sàn chưa nhập học ở đâu cả thì đó là do điểm sàn không đúng, phải xác định lại điểm sàn” – ông Bùi Thiện Dụ đề xuất.
Đối mặt khủng hoảng tuyển sinh 2013
Ông Phan Trọng Phước, Hiệu trưởng trường ĐH Đại Nam nhận định, nếu vẫn duy trì cách thức tuyển sinh hiện nay thì việc tuyển sinh năm 2013 đối với các trường NCL sẽ còn tệ hơn, thậm chí là khủng hoảng. Trước viễn cảnh không sáng sủa này, ông Phước cho rằng cần có hướng đề xuất Bộ GD-ĐT. “Theo tôi, phương án hay nhất là bỏ “3 chung”. Tuy nhiên Bộ đã đưa ra lộ trình đến năm 2016 mới có một số trường trọng điểm thí điểm tuyển sinh riêng, đến 2020 mới bỏ hoàn toàn. Vì vậy đề xuất này không khả thi. Phương án 2 là cho các trường được lấy dự bị đại học đối với những thí sinh dưới điểm sàn. Nếu được thì quá tốt, nhưng vấn đề này không đơn giản vì còn các trường công lập nữa. Khả quan nhất là vấn đề ra đề thi để có phổ điểm phù hợp. Đề thi mà phổ điểm 3 môn đa số rơi vào 7, 8 điểm như hiện nay thì không phải đề thi tốt, trong khi đó lại lấy điểm sàn tới 13 điểm.
Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh, ông Nguyễn Văn Hùng thì đề nghị: “Năm tới các trường NCL chắc chắn vẫn phải chấp nhận việc thi “3 chung”, nhưng Bộ GD-ĐT phải công khai phổ điểm của thí sinh. Căn cứ trên phổ điểm đấy mà định điểm sàn sao cho có khoảng 50% thí sinh trên sàn để đảm bảo nguồn tuyển.
Lo ngại về việc sẽ không nhận được phản hồi tích cực từ phía Bộ GD-ĐT trước nguy cơ ngừng hoạt động của các trường NCL, bà Nguyễn Thị Hà, trường ĐH Thành Đông khẩn thiết: “Hơn 80 trường NCL với hơn 50.000 sinh viên và 3.000 cán bộ giảng viên đang lo lắng trước nguy cơ sẽ bị thu hẹp quy mô hay giải thể. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cần đề xuất được đối thoại với các cấp có thẩm quyền … để được trình bày thật đầy đủ”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: Anninhthudo