Không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH - CĐ chính quy
Kể từ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ chính quy và dừng việc thành lập mới các trường ĐH. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường CĐ - ĐH cũng sẽ không được mở mới các ngành học. Thông tin trên đã được Bộ GD - ĐT công bố hôm qua (27/12) tại Hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2013.
Giảm chỉ tiêu nhiều ngành
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD - ĐT cho biết, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nên nguyên tắc chung trong năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ chính quy. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật. Đối với chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Đặc biệt, do tình trạng thừa giáo viên nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần so với chỉ tiêu xác định trong năm 2012 và tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.
Mùa tuyển sinh năm 2013, chỉ tiêu về đào tạo liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên. Không đào tạo trung cấp chuyên nghiệp vừa học vừa làm tại cơ sở giáo dục đại học trực thuộc năm 2013.
Các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc TCCN theo lộ trình giảm 20%/năm, các trường trực thuộc dự kiến giảm chỉ tiêu TCCN với lộ trình nhanh hơn và chấm dứt đào tạo trung cấp trước năm 2017. Theo thông báo của Bộ GD - ĐT thì để nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên trong các trường ĐH, CĐ cũng như từng bước tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ để thực hiện mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 10 - 12% và đào tạo thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2012.
Giải thích về những quyết sách này ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, trong năm 2012, Bộ GD - ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc tự xác định chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ, trong đó có một số trường trực thuộc Bộ. Qua kiểm tra, nhiều trường đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực theo quy định tại Thông tư 57 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sau đại học, ĐH, CĐ, TCCN, nhất là về tiêu chí giảng viên. Dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giảng viên có trình độ nhằm nâng cao năng lực đào tạo cùa nhà trường, nhưng so với quy mô hiện tại thì việc bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu còn chậm, chưa tương xứng, do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết, trong năm 2013, với những trường vi phạm về chỉ tiêu tuyển sinh thì sẽ không chỉ xử lý tập thể mà còn xử lý trực tiếp cả người đứng đầu.
Dừng thành lập các trường ĐH mới và mở ngành học mới
Ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, hiện nay Bộ GD - ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ để ban hành quyết định mới. Theo đó, Bộ sẽ xem xét việc thành lập, sáp nhập, chia tách các trường ĐH và thành lập phân hiệu của các trường. Tinh thần về quy hoạch từ nay tới năm 2015 là chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng, không giải quyết việc thành lập mới các cơ sở đào tạo và giữ ổn định quy mô đào tạo cho đến năm 2020.
Bộ GD - ĐT cho biết, đối với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa mà Nhà nước cần đào tạo như: sư phạm, đào tạo kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông lâm ngư, nghệ thuật… Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí đào tạo trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí. Còn những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như: kinh tế, tài chính, luật… thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo.
Như vậy, trong năm 2013 số lượng các trường trực thuộc Bộ GD - ĐT không thay đổi và chỉ tiêu các trường này vẫn giữ ổn định. Các trường cần tập trung củng cố cơ sở hiện có và bổ sung đội ngũ để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: Tintuc