>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 năm 2015 sau 20 ngày đầy biến động và nhiều cảm xúc đã kết thúc. Năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo phương thức mới, chắc cũng không ai đòi hỏi mọi sự phải hoàn hảo ngay, đặc biệt với một hoạt động mang tính xã hội và liên quan đến cả triệu thí sinh, triệu gia đình. Cũng sẽ rất khó lường hết những tình huống có thể và đã xảy ra.

Cần ghi nhận quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong mùa thi lần này là đã đổi mới phương thức thi 3 chung lỗi thời, gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một, thay đổi phương thức chọn môn và sử dụng kết quả xét tuyển.

Thứ hai Bộ đã dựa hoàn toàn vào nền tảng công nghệ thông tin. Cả triệu thí sinh được cấp mã truy cập, biết điểm thi của mình qua mạng, và khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cũng thông qua mạng để biết thứ hạng của mình, từ đó quyết định giữ hay rút hồ sơ. Bộ Giáo dục cũng dựa vào hệ thống công nghệ thông tin tập trung để quản lý việc đăng ký dự thi từng trường và đảm bảo một thí sinh không được đăng ký xét tuyển tại nhiều trường tạo hồ sơ ảo.

Ghi nhận thứ ba là Bộ Giáo dục trao quyền chủ động cho các trường trong việc tự xác định chỉ tiêu, tự xác định tổ hợp môn xét tuyển, thậm chí tự chủ tuyển sinh theo phương thức riêng mà không nhất thiết phải dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Bộ cũng trao quyền tự chủ cho thí sinh, để các em được tự do lựa chọn trường và ngành đăng ký khi biết rõ tình hình thí sinh khác cùng muốn vào và chỉ tiêu của trường.

Bộ Giáo dục cũng đã có những thay đổi, phản ứng kịp thời khi có vấn đề xảy ra. Khi cổng truy cập của Bộ không đáp ứng việc truy cập xem điểm của cả triệu thí sinh, Bộ đã sử dụng thêm máy chủ của các trường đại học để chia tải. Khi có ý kiến về phổ điểm cung cấp chưa đầy đủ, dường như ngay lập tức Bộ công bố phổ điểm chi tiết đến 0,25 điểm và phổ điểm không chỉ cho các môn mà cho từng khối thi truyền thống.

Bộ cũng quy định cho thí sinh có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện mà không phải đi lại tốn kém. Đến khi thấy qua bưu điện không rút được hồ sơ thì Bộ quy định bổ sung được rút và nộp hồ sơ tại các Sở Giáo dục. Cũng để hỗ trợ thí sinh vào mạng tra cứu thông tin, Bộ yêu cầu các trường phổ thông mở cửa phòng máy tính nối mạng cho thí sinh sử dụng.

fpt11-203772-1368794506-500x0-3164-14401

TS Lê Trường Tùng.

Thế nhưng dù tạo mọi điều kiện, việc xét tuyển vẫn cứ rối, cứ nhiều bức xúc và không ít nước mắt. Rối cũng đã rõ, khi thông tin chuẩn bị chưa tốt, khi hệ thống công nghệ thông tin hoạt động chưa hoàn hảo. Đặc biệt là phụ huynh, thí sinh đã bỏ qua kênh bưu điện, kênh Sở Giáo dục gần nhà mà muốn rút/nộp trực tiếp tại trường cho yên tâm, cũng là để nắm thông tin cho kịp thời.

Rối cũng đã rõ khi các hệ thống thông tin dữ liệu hoạt động chưa được trơn tru, trong khi nếu không có thông tin thì bó tay cho cả thí sinh và trường. Cũng là rối khi không dễ đồng bộ hoạt động của số đông.

Nếu như thông tin được chuẩn bị tốt hơn, thông tin phổ biến cho phụ huynh, cho thí sinh tốt hơn, nếu như hệ thống công nghệ thông tin hoạt động hoàn hảo, cho phép thí sinh nộp và rút hồ sơ dễ dàng qua mạng… thì bức tranh sẽ tốt hơn. Tuy nhiên giả sử được như vậy, liệu đã hết rối chưa? Câu trả lời dường như là chưa.

Nhìn từ khía cạnh nhân văn, phương thức xét tuyển 2015 đảm bảo công bằng, minh bạch. Ai điểm cao thì có nhiều lựa chọn và được đảm bảo cao cho sự lựa chọn của mình, ai điểm thấp thì ít lựa chọn hơn, cũng ít đảm bảo hơn cho sự lựa chọn. Công bằng, nhưng cuộc chơi cũng rất khắc nghiệt.

Trong bất cứ hoạt động gì, chúng ta nói chung không thích phải xếp hàng chờ đợi. Phải xếp hàng dài, chờ đợi lâu sẽ gây ra khó chịu, bức bối, và sẽ càng bức bối hơn nếu hàng dài mà chẳng thấy nhúc nhích gì. Xét tuyển năm nay, thí sinh nộp hồ sơ và xếp hàng chờ đợi 20 ngày. Hàng cứ dài dần ra, không những không nhúc nhích mà luật chơi còn cho phép chen ngang: thí sinh nào có điểm cao được chen ngang lên trên, những người giữa và cuối hàng bị đẩy dần đến vị trí “bị sa thải” khi số người trước mình bằng số chỉ tiêu.

Hoàn toàn công bằng, hoàn toàn đúng luật, thí sinh có điểm thấp hơn so với người khác sẽ bị trượt, bị “sa thải”, bị “chết”, nhưng cái chết không nhẹ nhàng. Tôi cứ hình dung trong đầu bức tranh tuyển sinh năm 2015 với hình ảnh một thí sinh chưa có kinh nghiệm sống, vào xếp hàng xét tuyển, hoang mang lo ngại mỗi ngày khi thấy các thí sinh khác điểm cao hơn chen ngang đẩy dần mình về vị trí vô vọng, và cuối cùng thất vọng lớn đầu đời ghi dấu ấn khó phai. Như vậy là không nhân văn.

Tôi từng đưa ra giài pháp “Một phần tư” nhằm tăng chất lượng cán bộ trong một tổ chức: hàng năm phân loại cán bộ, sau đó sa thải ¼ số cán bộ có chất lượng thấp để tuyển cán bộ mới. Khi đó chất lượng chung của tổ chức sẽ tăng hàng năm, trở thành một tổ chức mạnh mẽ. Giải pháp này nghe hợp lý, công bằng, ai làm việc kém thì chấp nhận bị sa thải, nhường chỗ cho người làm việc tốt hơn. May mắn là giải pháp này không được thực thi, không chỉ vì Bộ Luật Lao động, không chỉ ở Việt Nam, mà ở các các nước khác, không cho phép sa thải người lao động như vậy, mà chủ yếu bởi vì đây là giải pháp không mang tính nhân văn, khi để người lao động cứ nơm nớp không biết mình sẽ bị sa thải vào lúc nào.

Trong một bài hát Nga trong chiến tranh thế giới thứ 2 có câu chúc của cô gái cho chàng trai ra trận: "Em chúc anh nếu bị thương thì bị nhẹ thôi, còn nếu như hy sinh thì hy sinh tức thời…". Năm 2016, các trường có thể định một mức điểm cao, thí sinh nào đạt từ điểm đó trở lên thì đậu, nếu tuyển thiếu thì trường hạ điểm để tuyển bổ sung. Hoặc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều trường và xét chung một lần… Dù thay đổi gì đi nữa thì cũng mong năm 2016 thí sinh “nếu trượt thì trượt tức thời”.

Lê Trường Tùng
Chủ tịch HĐQT Đại học FPT

Theo VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/ts-le-truong-tung-truong-dua-ra-muc-diem-cao-se-han-che-nop-rut-ho-so-3267588.html