Thí sinh điền thông tin, nộp hồ sơ xét tuyển vào HUTECH dưới sự hướng dẫn của đội ngũ sinh viên tình nguyện
Đến ngày nộp hồ sơ mới "nghiên cứu" cách thức đăng ký nộp trực tuyến
Sáng 1/8, nhiều thí sinh trực tiếp cầm hồ sơ ĐKXT đến nộp tại Ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng.
Em Nguyễn Quốc Đạt (trú H. Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Sáng hôm nay, sau khi lên trường THPT Tiểu La để nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào ngành Quản lý nhân sự và Luật Kinh tế của trường ĐH Duy Tân thì em và các bạn cầm hồ sơ ra ĐH Đà Nẵng để tiếp tục nộp 2 nguyện vọng còn lại của đợt 1”.
Quốc Đạt cho biết, em không biết ĐH Đà Nẵng bắt buộc phải nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến hoặc nộp qua đường bưu điện. Đạt cùng với 3 bạn khác quay về Quảng Nam ngay trong buổi sáng để “nghiên cứu” cách đăng ký trực tuyến.
“Mấy đứa bạn em cũng có đăng ký trực tuyến thử rồi; có gì em sẽ nhờ các bạn hướng dẫn”. Theo như Quốc Đạt, nhờ được chọn 4 nguyện vọng ở 2 trường nên “chắc chắn là em sẽ được theo học ngành học yêu thích của mình. Cả 2 trường em đều chọn ngành giống nhau, vấn đề là đỗ vào trường nào thôi”.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Khánh (cựu HS trường THPT Thanh Khê – Đà Nẵng) thì kể: Sáng nay em sang trường ĐH Kinh tế sớm để hỏi về việc nộp hồ sơ xét tuyển thì được hướng dẫn qua Ban Đào tạo của ĐH Đà Nẵng. Em mua hồ sơ đăng ký xét tuyển ở ngoài hiệu sách nên không giống với mẫu hồ sơ đăng ký theo nhóm ĐH Đà Nẵng”.
Đây cũng là “lỗi” mà Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng phải tư vấn cho nhiều thí sinh đến tìm hiểu để nộp hồ sơ xét tuyển trong ngày đầu tiên.
Nguyễn Ngọc Khánh phân vân: “Em vẫn cứ thích nộp hồ sơ trực tiếp vì lâu nay cứ liên quan đến hồ sơ thì em quen viết tay rồi. Đăng ký trên mạng thì em không yên tâm lắm nên chắc em sẽ chọn cách gửi hồ sơ qua đường bưu điện”.
Khánh cho biết, với mức điểm 18,75 điểm, em nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Xét nghiệm của ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Khoa Công nghệ Sinh học của ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. “Em chỉ chọn 2 ngành tại hai trường để xét tuyển thôi ạ. Nếu mà 4 ngành thì cũng chưa biết chọn thêm 2 ngành gì”.
TS Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết: “Mới 7h30 sáng, đã có thí sinh đi từ Quảng Ngãi ra đến Ban Đào tạo hỏi để nộp hồ sơ. Khi được hỏi có biết về quy định nộp hồ trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện hay không, thí sinh này cho biết em không hề biết quy định này”.
Trước tình hình này, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, từ chiều 1.8, đã thành lập tổ hỗ trợ giúp thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại ĐH Đà Nẵng.
Các trường THPT hỗ trợ tối đa cho thí sinh đăng ký trực tuyến
Chiều 1/8, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho đại diện BGH, GV Tin học, đại diện giáo vụ, văn phòng của các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn để hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến tại trường. Sở GD&ĐT đã mời đại diện ĐH Đà Nẵng phổ biến những nét mới trong phương thức xét tuyển năm 2016 để các đơn vị hướng dẫn, tư vấn lại cho thí sinh.
Về phía Sở GD&ĐT Đà Nẵng, sẽ cử cán bộ thường xuyên trực để hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị cách truy cập vào tài khoản và xử lý các tình huống phát sinh.
Thầy Phan Khôi - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP Đà Nẵng) cho biết: “Hiện tại vẫn có 70 học sinh chưa đến trường nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp. Sau buổi tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức, Ban giám hiệu sẽ phổ biến lại cho toàn bộ giáo viên chủ nhiệm khối 12 về phương thức xét tuyển, cách điền vào phiếu xét tuyển, số nguyện vọng của mỗi đợt xét tuyển… để tư vấn cho HS. Quan điểm của nhà trường là bằng nhiều kênh thông tin khác nhau để phổ biến đến càng nhiều HS thì càng tốt.
Tâm lý chung là ở thời điểm ôn thi, các em chỉ tập trung học ôn nên không chú ý tìm hiểu những thông tin về quy chế xét tuyển. Chính vì vậy, GVCN cũng như bộ phận giáo vụ, giáo viên tin học của nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho HS ở giai đoạn xét tuyển”.
Thầy Phan Khôi cũng cho biết, nhà trường sẽ tư vấn cho HS không nên đợi đến sát những ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển: “Như năm ngoái, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng, được rút hồ sơ, các trường ĐH cũng cập nhật thường xuyên số lượng hồ sơ nộp vào.
Nhưng năm nay, cách thức xét tuyển đã thay đổi, thí sinh không được phép rút hồ sơ, các trường cũng không công khai số lượng hồ sơ nộp vào vì thông tin này không có ý nghĩa tham khảo nên chúng tôi khuyên HS của mình cân nhắc kỹ việc chọn ngành, chọn trường và không nên đợi đến sát ngày cuối cùng mới nộp để tránh nghẽn mạng”.
Ở các trường vùng thuộc địa bàn vùng khó của tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, BGH đều cử giáo viên am hiểu CNTT và quy chế thi hỗ trợ thí sinh trong cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến. Cô Ngô Thị Trúc – Hiệu trưởng trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: Số điện thoại của giáo viên để hỗ trợ cho HS trong cách điền phiếu đăng ký xét tuyển cũng như tư vấn các vấn đề có liên quan.
“HS trường mình đều là người dân tộc thiểu số nên nhà trường hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ cho các em ngay từ khi nộp hồ sơ để tham dự kỳ thi THPT quốc gia, nên chúng tôi rất quan tâm hỗ trợ cho HS trong đăng ký xét tuyển” – cô Trúc chia sẻ.
ĐBSCL: Chỉ mất 5 - 10 hoàn thành hồ sơ xét tuyển
Thí sinh Phạm Thị Kim Liên, ở thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) - cho biết: “Em thi khối C được 20,25 điểm và có nguyện vọng nộp hồ sơ vào ngành Luật, Trường ĐH Cần Thơ. Nhà em cách trường khoảng 15km, qua cầu Cần Thơ là đến nên em chọn cách đến trường nộp hồ sơ cho tiện. Sẵn dịp này đi tham quan một vòng khuôn viên trường. Năm nay em thấy điểm thí sinh không cao, hy vọng với số điểm này em có thể trúng tuyển vào ngành Luật”.
Để hỗ trợ thí sinh, trường ĐH Cần Thơ bố trí 30 tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh nhập dữ liệu để tránh sai sót, mất thời gian. Trường bố trí 10 phòng tư vấn và tiếp nhận hồ sơ thí sinh đến đăng ký...
ThS Nguyễn Minh Trí - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: Trong buổi sáng 1/8, trường đã nhận 1.138 hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 (số hồ sơ này cũng tương đương với lượng hồ sơ buổi sáng ngày đầu tiên xét tuyển năm 2015).
“Nhà trường bố trí 80 người làm công tác xét tuyển. Trong đó có nhiều nhóm tư vấn cho thí sinh trước khi điền hồ sơ; bên cạnh đó là bố trí các phòng máy tính dành cho thí sinh nhập dữ liệu hồ sơ và hệ thống phòng cho thí sinh nộp hồ sơ. Thí sinh đến nộp hồ sơ chỉ mất thời gian từ 5 đến 10 phút là hoàn thành, rất thuận lợi”.
Thông tin từ Trường ĐH Cần Thơ, tất cả thí sinh có tổng điểm thi THPT quốc gia tổ hợp 3 môn từ 15 điểm trở lên đều đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào trường. Trường sẽ xét tuyển theo thang điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu sẽ dừng. Trường nhận hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 12/8 nên thí sinh có đủ thời gian để xem xét, chọn lựa vào ngành phù hợp. Năm học này, Trường ĐH Cần Thơ sẽ tuyển 8.200 chỉ tiêu cho 75 ngành đào tạo bậc ĐH.
Một số trường ĐH ở TP Cần Thơ cũng có số lượng thí sinh đến làm hồ sơ xét tuyển khá đông như: ĐH Kỹ thuật - Công nghệ nhận trên 300 hồ sơ; CĐ Kinh tế - Kỹ thuật gần 300 hồ sơ... Theo các trường chia sẻ, tình hình thí sinh nộp hồ sơ khả quan hơn năm trước.
Tại Trường ĐH Đồng Tháp, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng nhà trường: Tuy là ngày đầu tiên nộp hồ sơ nhưng trường đón khá đông thí sinh, số thí sinh này tương đương năm 2015.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Đệ: Tuy năm nay thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tuyến và nộp qua bưu điện nhưng trường chuẩn bị nhân lực, vật lực để đảm bảo thí sinh nộp hồ sơ thuận lợi, nhanh chóng…
TP HCM: Không khí nhộn nhịp
Nhiều trường tính đến cuối buổi sáng nay số lượng hồ sơ nhận về xấp xỉ 500 hồ sơ.Tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM ngay trong buổi sáng đã có rất đông thí sinh và phụ huynh (ước đoán trên 300 thí sinh) đến thực hiện công tác đăng ký xét tuyển.
Do được nhà trường bố trí khu vực xét tuyển là hội trường lớn có sức chứa hàng ngàn người nên mọi thứ diễn ra hết sức trật tự. Thí sinh và phụ huynh được lực lượng sinh viên tình nguyện, cán bộ nhà trường tận tình hỗ trợ, tháo gỡ mọi vướng mắc ngay khi có thể nên không diễn ra cảnh đợi chờ.
Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trường bố trí hơn 20 máy tính để thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Do trường có quy định không nhận hồ sơ xét tuyển trực tiếp nên ít nhiều gây ra sự nhốn nháo. Gần 200 thí sinh và phụ huynh đã được nhà trường sắp xếp vào 2 giảng đường lớn để chờ đến lượt đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Theo PGS.TS Hiệu trưởng Nguyễn Kim Hồng, việc không nhận xét tuyển trực tiếp nhà trường đã thông báo nhiều lần nhưng một số thí sinh không để ý nên vẫn đến nộp hồ sơ trực tiếp.
Tại Trường Đại học Ngân hàng và Trường Đại học Tài chính - Marketing, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ cũng khá đông. Nhiều thí sinh điểm cao tự tin nộp hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên.
Thí sinh Nguyễn Phương Linh (21 điểm) đến từ Vĩnh Long cho biết: Em đã nghiên cứu kỹ điểm chuẩn của trường năm ngoái và hai năm trước của Trường Đại học Ngân hàng nên khi nghe trường nhận ngưỡng điểm xét tuyển NV1 15 điểm em khá tự tin vào khả năng trúng tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh của mình.
Để phục vụ thí sinh thuận tiện trong công tác nộp hồ sơ xét tuyển, hai trường trên cũng bố trí nhiều máy tính để phục vụ thí sinh thực hiện việc xét tuyển trực tuyến. Tuy nhiên, ghi nhận ở Trường Đại học Ngân hàng cho thấy không nhiều thí sinh chọn phương án này.
TS Trương Tiến Sỹ - Trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết: Trường chuẩn bị mọi điều kiện và cơ sở hạ tầng để phục vụ thí sinh và phụ huynh, thậm chí bố trí cả xe đưa thí sinh, phụ huynh đi tham quan cơ sở vật chất của trường.
“Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ thí sinh tối đa, mọi thứ trong khả năng có thể để các em có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích của mình”- TS Sỹ nói.
Là trường đại học ngoài công lập nhưng Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) lại có sức hút rất lớn với thí sinh. Trong buổi sáng hôm nay chỉ riêng khu vực sảnh lớn của nhà trường chúng tôi ước lượng số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ không dưới 400 em.
Với lực lượng sinh viên tình nguyện hỗ trợ một cách nhiệt tình cùng hệ thống phòng máy tính hàng chục máy để thí sinh làm thủ tục đăng ký trực tuyến, việc thực hiện công tác ghi thông tin, nộp hồ sơ của thí sinh diễn ra hết sức nhanh chóng, thuận lợi.
Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ngay-dau-nop-ho-so-thi-sinh-lo-mo-quy-dinh-xet-tuyen-2118419-v.html