>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015
Đành rằng là kỳ thi mới, cách xét tuyển mới, nhưng với quá nhiều bất cập đến trong bối cảnh toàn điều mới này, quả là gây sốc cho không ít thí sinh và cha mẹ các em. Những câu chuyện, hành trình bước vào cổng trường đại học đầy mồ hôi, và cả nước mắt, một ngày sau khi đợt xét tuyển đầu tiên và quan trọng nhất chính thức khép lại.
Xét tuyển ĐH, CĐ: Nộp vào rút ra, rút ra nộp vào…
Giữa cái nắng nóng như đổ lửa, sân trường ĐH Bách khoa Hà Nội dù rộng thênh thang vẫn quá ngột ngạt với hàng trăm thí sinh, phụ huynh cứ hết đứng lại ngồi. Không chỉ thí sinh tại Hà Nội đến nộp hồ sơ, rất nhiều em từ ngoại tỉnh “tay xách tay đùm” lên đây nộp xong hồ sơ và trụ lại chực chờ tin tức. Từ huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), Phạm Thị Thanh - chị gái của thí sinh Trương Hùng Dũng “tháp tùng” cậu em trai bắt xe đò ra thủ đô với một quyết tâm cao là em trai mình sẽ đỗ vào trường đại học thuộc tốp đầu cả nước.
Quyết tâm mãnh liệt ấy còn được tiếp sức bởi cả gia đình ở quê đang nứt toác ruộng nương vì hạn hán. “Thóc đã bán bớt đi rồi, nhét túi được gần 2 triệu đồng. Bố mẹ ở quê còn sắm cả điện thoại di động cục gạch để tiện liên lạc hằng ngày rồi. Chừ, chị em tui xác định chực chờ đây ít nhất một tuần để nghe ngóng. Cứ phải trực tiếp cầm hồ sơ đi nộp, tui mới yên tâm. Hắn là niềm hi vọng của cả nhà” - chị Thanh quả quyết. Với 22,5 điểm thi, Dũng cho biết em đang muốn học ngành Kỹ thuật cơ khí của trường. Chị “canh” ở trường, còn em ngày nào cũng lên mạng hơn chục lần để xem khả năng trúng tuyển của mình.
Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cầm trên tay tập hồ sơ và chứng minh nhân dân để cân đo việc nên nộp - rút đổi ngành, chị Huệ - phụ huynh một thí sinh, than thở: “Những ngày qua, hai mẹ con tôi vất vả ngược xuôi chạy đi các trường để xem điểm chuẩn dự kiến, cân đo đong đếm mãi vẫn chưa biết thế nào. Nộp vào trường con thích, ngành con muốn thì điểm số chỉ hơn điểm chuẩn 1 điểm, quá nguy hiểm, nộp vào ngành khác thì sợ con không thích sẽ bỏ bê học hành…”.
Lặn lội từ Hải Dương lên Hà Nội để rút hồ sơ, em Nguyễn Ngọc Đức tỏ ra thất vọng khi điểm thi của mình khá cao - 24,5 điểm, nhưng điểm chuẩn dự báo của khoa Kỹ thuật điện tử - nơi em đăng ký NV1 - lại lên đến 25,5 điểm. Đức sẽ chờ đến chiều để rút được hồ sơ ra, chuyển sang khoa Xây dựng dân dụng công nghiệp ở Đại học Xây dựng với điểm chuẩn thấp hơn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thí sinh ở ĐH Bách khoa Hà Nội khi khác xa dự tính ban đầu, điểm chuẩn nhiều khoa “hot” tăng vọt lên cao, từ dự báo 19 - 21 điểm lên đến 24 - 25 điểm khiến nhiều thí sinh chới với, phải nhanh chóng rút hồ sơ.
Em Nguyễn Cao Quý cùng mẹ đi xe máy vượt 100km từ Tây Ninh lên TPHCM để rút hồ sơ tại ĐH Sài Gòn. Em cho biết, muốn nộp lần 2 ở ĐH Sư phạm TPHCM nhưng rút xong thì chưa biết nộp ngành nào cho chắc ăn vì số lượng hồ sơ của trường này cũng đang khá cao. Ngồi ở hành lang nhà trường gần cuối giờ sáng nhưng em vẫn chưa quyết định được. Mẹ của của Quý không thể ngồi yên một chỗ, chốc lát lại đứng lên chen vào bên trong xem tình hình nộp hồ sơ của các thí sinh như thế nào. Thậm chí có lúc bà tự nhẩm đếm có bao nhiêu hồ sơ rút ra, bao nhiều hồ sơ nộp vào ngành mà con bà dự định nộp. “Mỗi lần thấy có nhiều em nộp hồ sơ vào ngành của con tôi dự định nộp vào, tôi thót cả tim, vì như vậy cơ hội đậu của con mình lại thấp đi” - bà kể.
Và những giọt nước mắt...
Bà Trần Thị Xoan (quê xã Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) bức xúc: “Tuyển sinh tuyển sọt kiểu này chắc tui đau tim mà chết”. Số là Nguyễn Thị Đan Thêu, con gái bà Xoan nộp vào ngành Sư phạm hóa học - ĐH Sư phạm Huế. Những ngày trước, vị thứ điểm trên bảng tổng sắp của Đan Thêu vẫn ở ngưỡng an toàn nên gia đình bà Xoan dự tính tổ chức cơm, rượu mừng con vào học ngành ưa thích. “10h tối qua, tui chuẩn bị đi ngủ thì nghe con bé khóc hu hu trong phòng. Ngỡ con bệnh chi, đạp cửa xông vô thì thấy nó tay này cầm điện thoại, tay kia quệt nước mắt, mếu máo nói rằng đã bị trượt. Tờ mờ sáng ni, hai vợ chồng tức tốc đưa con vô đây rút hồ sơ nộp vào trường Cao đẳng Y tế Huế” - bà Xoan kể. Hồ sơ nộp xong, Đan Thêu mắt dán vào màn hình điện thoại theo dõi vị thứ điểm, ai hỏi gì, nói gì cũng mặc kệ. Giữa trưa, cáinắng nóng như thiêu như đốt, bà Xoan tay quạt, miệng giục con uống nước, uống sữa giữ sức để tiếp tục rút - nộp hồ sơ. “Chừ vẫn phải ngồi ở đây theo dõi để lỡ may có rớt cũng kịp thay đổi chứ về sao được” - bà Xoan nói. Xế chiều hôm qua, gia đình bà Xoan vẫn bám trụ ở điểm tiếp nhận hồ sơ, thần xác đã rũ rượi…
Sốc khi xem thứ tự xếp hạng tụt dốc nhanh chóng, Mỹ Linh (Tiên Du, Bắc Ninh) nhất quyết xin bố mẹ được xuống tận trường làm thủ tục. Tâm trạng rối bời, nước mắt hai hàng, Linh cho hay, chỉ sau 6 ngày em đã tụt từ thứ hạng 100 xuống dưới 500, mà chỉ tiêu chỉ lấy 600 người. Biết khả năng đỗ thấp, nên em quyết định rút hồ sơ để nộp sang trường có phổ điểm thấp hơn. Đến bây giờ, em cũng chưa biết có thể nộp vào trường nào. Với Đặng Thị Nga (Hà Trung, Thanh Hóa), điểm số 21 của em đang đứng trước nguy cơ tụt hạng, kể cả điểm cộng thêm khi em theo dõi bảng danh sách trên mạng. Không thể chờ thêm được nữa, một mình Nga bắt xe khách trực tiếp xuống trường để xem xét tình hình, mặc cho bố mẹ lo lắng. “Không vào được trường này thì cũng có thể vào được chỗ khác, dù không được như mong muốn của mình. Năm nay mà không vào được đại học, bố mẹ em ở quê chắc không còn mặt mũi nào nhìn bà con làng xóm”- Nga thẫn thờ đứng trước cổng trường, nước mắt rơm rớm. Trong túi còn vỏn vẹn 300 ngàn đồng, nhưng em vẫn bám trụ ở trường thêm đôi hôm nữa, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tại ĐH Sư phạm TPHCM, chị Phùng Thị Hương Thu, ở Thủ Đức nước mắt ngắn nước mắt dài vì “nhiều cha mẹ như tôi chỉ biết ít nhiều chuyện học hành của con nên có muốn cũng không giúp được gì cho các cháu”. Chị bảo “những ngày đầu vui mừng vì con ở vị trí cao, đến hôm nay tá hỏa khi thấy bất ngờ bị văng ra khỏi chi tiêu của ngành đó. Cả tôi và các cháu đều không hiểu quy luật của nó cụ thể thế nào, tôi nghe nhiều người ví nó như đánh bạc, phải liều, phải gan, được ăn cả ngã về không khiến ai cũng lo lắng mà không biết phải làm sao…”.
Không hiểu những câu chuyện đầy mệt mỏi, âu lo này có đến được với những nhà quản lý giáo dục hay không, và họ nghĩ gì khi tổ chức cách thức xét tuyển theo kiểu chơi bạc hay chơi chứng khoán này? Chỉ biết rằng, đến những giờ phút cuối cùng trước khi khóa sổ, chốt mạng, tại nhiều trường đại học ở Hà Nội, vẫn có nhiều thí sinh và phụ huynh quyết “thi gan” đến cùng. Cái sự chờ đợi và hi vọng ấy, vẫn được duy trì đến phút cuối. Cũng có nghĩa, “canh bạc” vào đời của con vẫn được đặt cược đến lúc nào hết “giờ chơi” thì thôi! Đó quả là những bậc cha mẹ dũng cảm, dù xác định “hên - xui” nhưng họ vẫn quyết tâm đến cùng với niềm hi vọng ấy!
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, trong ngày cuối xét tuyển, khi trả lời báo chí đã nói rằng, Bộ rất chia sẻ với lo lắng của các em và phụ huynh! Tuy nhiên, việc rút hồ sơ tại các trường đại học chỉ chiếm 1/10, tầm 30 - 40 trường trong tổng số 400 trường. “Số lượng dịch chuyển này không thể so sánh với việc dịch chuyển của hàng triệu thí sinh trong kỳ thi “3 chung” trước đây, nên áp lực tổng thể giảm rất nhiều! Sắp tới, chúng tôi sẽ tính toán để đảm bảo tốt hài hòa tự chủ các trường và giảm nhẹ công tác xét tuyển để thí sinh và phụ huynh không còn vất vả nữa” - ông Bùi Văn Ga nói.
Lời hứa đã đưa ra rồi, và họ - những sĩ tử, phụ huynh đang chờ vào hành động thật sự của bộ, để có thể giảm áp lực và tốn kém đúng nghĩa như mục tiêu ban đầu mà bộ đưa ra về toàn bộ kỳ thi này!
Theo Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/giao-duc/ngay-cuoi-xet-tuyen-dai-hoc-cao-dang-dot-1-soc-hon-loan-va-nuoc-mat-366832.bld