Điều chỉnh chương trình nghề phổ thông
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, các nghề được tổ chức dạy học trong trường phổ thông chưa phong phú, còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều học sinh (HS) chưa được tư vấn, hướng dẫn chọn nghề phù hợp, một số trường còn áp đặt HS học một số nghề phổ thông hạn hẹp...
Từ thực tế đó, Sở đã đưa ra kế hoạch đổi mới giáo dục nghề phổ thông theo hướng sát với thực tiễn. Cụ thể, các trường chọn lựa ít nhất 1 môn nghề phổ thông đang dạy để soạn thảo lại nội dung chương trình và cách thức tổ chức thực hiện nhằm giúp HS có những kỹ năng nghề thực tế, ứng dụng được vào cuộc sống và tạo ra sản phẩm có giá trị thực tế.
Bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, Sở sẽ bổ sung nội dung cho một số nghề phổ thông theo cấp độ. Chẳng hạn như môn nấu ăn sẽ có những cấp độ học khác nhau từ nấu bếp, dinh dưỡng, quản trị bếp. Tương tự, nhiếp ảnh sẽ có nhiếp ảnh, điện ảnh, xử lý ảnh và hoạt hình. Tin học văn phòng và nghiệp vụ văn phòng, đồ họa vi tính. Điện dân dụng gồm điện và điện tử dân dụng. Cắt uốn tóc có cắt uốn tóc, thiết kế kiểu tóc và trang điểm.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu tích hợp và bổ sung nội dung một số nghề gần nhau như trồng trọt, làm vườn: trồng trọt và kỹ thuật trồng trọt hiện đại (trồng nấm, lai ghép cây...), vẽ kỹ thuật, vẽ kiến trúc...
Bên cạnh đó, Sở xây dựng thêm một số nghề phổ thông mới như tự động hóa ứng dụng gồm có robot và tự động hóa trong cuộc sống, giáo dục kinh doanh gồm ý tưởng kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, tổ chức kinh doanh.
Do trình độ chuyên môn về nghề của nhiều giáo viên bị hạn chế nên việc dạy nghề chưa tạo được sức hấp dẫn, tin tưởng cho HS và chưa gắn kết được với thực tiễn sinh động trong xã hội. Vì thế, theo quy định mới, các trường phổ thông phải phối hợp với trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo nghề, các đơn vị sản xuất kinh doanh để xây dựng, điều chỉnh lại các chương trình nghề phổ thông.
Đặc biệt, Sở đã phối hợp với phòng trung học chuyên nghiệp và ĐH, các trường trung cấp sẵn sàng mở cửa để các trường tham gia vào hoạt động nghề ở trường phổ thông. Các đơn vị bên ngoài sẽ được quyền dạy, cấp chứng chỉ cho HS và Sở sẽ công nhận chứng chỉ đó.
Học sinh được quyền chọn lựa
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 phân tích trong năm học vừa qua, toàn thành phố có hơn 77.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập nhưng tổng chỉ tiêu tuyển chỉ có 64.000. Như vậy, sẽ có khoảng 13.000 thí sinh phải trượt khỏi cuộc đua vào lớp 10 công lập và được phân vào các luồng như: tham gia lao động ngay sau THCS; học ở các trường THPT dân lập, tư thục; học ở các trường nghề, TCCN; học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Chưa kể một số HS bỏ học, lêu lổng. Vì thế, 13.000 HS này rất cần được tư vấn hướng học, hướng nghiệp để chọn một hướng đi phù hợp ngay sau bậc THCS. Trong số 13.000 HS kể trên, tỷ lệ theo học nghề còn thấp.
Một hiệu trưởng phân tích: “Trước nay, hầu hết HS THCS tham gia hoạt động học nghề trong trường học với động cơ lớn nhất là cộng điểm vào kỳ thi chuyển cấp. Rất ít HS chọn học nghề vì yêu thích hoặc thử sức để xem mình thích gì. Chính vì thế, khi thay đổi hoạt động dạy nghề từ hình thức do trường tổ chức sang HS tự chọn lựa thì sẽ có tác động kép. Tức là HS vẫn còn động cơ học và được cộng điểm, đồng thời cũng được quyền lựa chọn nghề và nơi học theo ý thích của mình. Quá trình này sẽ giúp HS định hình sở thích. Vị này lạc quan: “Nếu định hướng đúng đối tượng, tôi tin rằng hoạt động hướng nghiệp ngay từ bậc THCS sẽ giúp HS rút ngắn được gần cả mười năm đi vòng theo con đường từ thi THPT rồi tìm mọi cách vào ĐH và sau đó mới quay về với nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH”.
Bên cạnh những ý kiến tán đồng chủ trương đổi mới của Sở thì một số nhà quản lý lâu năm trong lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp tại TP.HCM cũng đề xuất Sở nên để cho HS được tự chủ thật sự trong việc tự chọn nơi học và ngành học.
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/duoc-lay-chung-chi-nghe-ben-ngoai-truong-761434.html