​Điểm chuẩn không thay đổi nhiều so với dự kiến
Thí sinh trao đổi trước khi nộp đơn xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2015 - Ảnh: Hải Quân

Chiều 21-8, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) đã công bố điểm chuẩn chính thức vào trường.

Theo đó, điểm chuẩn dành cho HSPT-KV3 như sau: khoa học máy tính 22,75, truyền thông và mạng máy tính 22,5, kỹ thuật phần mềm 24,25, kỹ thuật phần mềm chất lượng cao 22, hệ thống thông tin 22,5, thương mại điện tử (ngành hệ thống thông tin) 22,25, hệ thống thông tin chương trình tiên tiến 20, hệ thống thông tin chất lượng cao 20,75, công nghệ thông tin 22,75, an toàn thông tin 22,75, kỹ thuật máy tính 22,75 và kỹ thuật máy tính chất lượng cao 20,5.

Nhiều trường ĐH khác như Ngoại ngữ - tin học, Văn Lang, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế tài chính TP.HCM, Nguyễn Tất Thành... cũng đã công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1.

Rất ít hồ sơ gửi qua bưu điện

Theo ghi nhận từ các trường ĐH, ngày 21-8, lượng hồ sơ gửi về trường qua đường bưu điện không nhiều. Nhiều trường đã xử lý xong dữ liệu hồ sơ nộp trực tiếp từ trường và do các sở GD-ĐT chuyển về và công bố điểm xét tuyển tạm thời tính đến hết ngày 20-8.

Ngày 22-8 các trường sẽ tổng kiểm tra dữ liệu lần cuối và tiến hành xét tuyển, công bố điểm chuẩn trước ngày 25-8.

TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trong ngày 21-8 chỉ có bốn hồ sơ gửi qua đường bưu điện về trường.

“Với hồ sơ không có nhiều biến động như vậy, dự kiến điểm chuẩn của trường là 23,25 với tiêu chí phụ điểm môn toán từ 7 điểm trở lên, ngành tiếng Anh thương mại là 31,67” - ông Hoàng nói.

Sáng 21-8, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) đã công bố điểm xét tuyển tạm thời tính đến hết ngày 20-8. Điểm xét tuyển các ngành dao động từ 22 - 25,5.

Một cán bộ phòng đào tạo của trường cho biết trong ngày 21-8 trường nhận được khoảng 10 hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

“Trường đang kiểm dò, bổ sung dữ liệu thí sinh gửi qua đường bưu điện. Với số lượng hồ sơ bổ sung tương đối ít nên có thể điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều. Ngày 24-8 trường sẽ họp để quyết định điểm chuẩn chính thức” - TS Lê Tuấn Lộc, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Tương tự, ông Trương Tiến Sĩ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết ngày 21-8 chỉ có một hồ sơ gửi về trường qua đường bưu điện.

Với số hồ sơ không nhiều biến động như vậy, dự kiến điểm chuẩn của trường sẽ không có nhiều thay đổi so với ngưỡng điểm xét tuyển trường công bố ngày 20-8 (dao động từ 21,56 - 22,65).

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo - cho hay trường nhận được 10 hồ sơ gửi qua bưu điện trong ngày 21-8. Với số lượng hồ sơ như vậy, điểm chuẩn của trường chắc sẽ không thay đổi nhiều so với điểm chuẩn dự kiến công bố ngày 19-8.

TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho biết hiện trường đang kiểm dò thông tin của thí sinh. Trong ngày 21-8 chỉ có ba hồ sơ gửi về trường. Với tình hình như vậy, nhiều khả năng điểm chuẩn chính thức của trường sẽ không thay đổi nhiều so với điểm chuẩn tạm thời trường công bố ngày 21-8.

Tối 20-8, một số trường phải làm việc đến 21g để nhập liệu hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển trong ngày 20-8. TS Nguyễn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết trong ngày 21-8 lượng hồ sơ gửi qua bưu điện không nhiều.

Do vậy, 99% điểm chuẩn chính thức sẽ không thay đổi nhiều so với điểm xét tuyển tạm thời do trường công bố tối 20-8.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc trung tâm tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết thống kê hết ngày 20-8 cho thấy điểm chuẩn một số ngành như công nghệ sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm có thể tăng 0,25 điểm so với điểm dự kiến công bố ngày 19-8. Các ngành còn lại sẽ không có nhiều thay đổi.

Bức xúc với trường y

Liên quan đến các trường y dược, nhiều phụ huynh, thí sinh bức xúc vì bị rớt oan. Một phụ huynh có con thi được 27,75 điểm và xét tuyển vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM bức xúc: “Điểm con tôi vẫn an toàn cho đến ngày 20-8.

Trường bổ sung danh sách thí sinh tuyển thẳng vào ngành này đẩy điểm chuẩn dự kiến ngành này lên 28. Theo thông báo tuyển thẳng vào tháng 5 của trường, ngành y đa khoa chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn sinh học.

Thế nhưng ngày 19-8 lại có quyết định tuyển thẳng bổ sung mấy thí sinh đoạt giải ba môn sinh học vào ngành này. Một thí sinh tuyển thẳng vào ngành răng hàm mặt được chuyển tuyển thẳng vào ngành y đa khoa. Trường đã không làm đúng thông báo của mình từ đầu, lại bổ sung vào giờ chót nên rất thiệt thòi cho thí sinh như con tôi”.

Cũng theo phụ huynh tối 20-8, điểm tiêu chí phụ các môn hóa, sinh ở hầu hết các ngành tăng vọt so với thông báo trưa 20-8 dẫn đến 79 thí sinh đạt điểm chuẩn tạm thời vẫn bị loại vào giờ chót, không thể rút hồ sơ nộp đi đâu được.

Trong số này có một thí sinh đạt 27,75, một thí sinh đạt 27,25 điểm. Số thí sinh còn lại có điểm từ 23 đến 26,25.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết năm 2015 trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất môn sinh học vào ngành y đa khoa. Tuy nhiên theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đoạt giải từ năm 2014 được bảo lưu quyền tuyển thẳng.

Những thí sinh đoạt giải ba môn sinh học vừa được tuyển thẳng bổ sung vào ngành y đa khoa đều đoạt giải quốc gia năm 2014, không có thí sinh năm 2015.

Riêng trường hợp một thí sinh tuyển thẳng vào ngành răng hàm mặt nay được chuyển qua ngành y đa khoa, ông Khôi cho biết thí sinh này ghi nguyện vọng tuyển thẳng vào hai ngành y đa khoa và răng hàm mặt.

Trường không liên lạc được với thí sinh nên xét tuyển thẳng vào ngành răng hàm mặt. Sau này khi liên lạc được và thí sinh có nguyện vọng tuyển thẳng vào ngành y đa khoa nên trường đã có quyết định điều chuyển ngành tuyển thẳng. Riêng điểm tiêu chí phụ mới chỉ là dự kiến.

Xét tuyển bổ sung không cần nộp giấy chứng nhận kết quả

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT ngày 21-8 về việc xét tuyển bổ sung, thí sinh không cần gửi giấy chứng nhận kết quả cho trường mà chỉ cần điền số mã vạch vào phiếu đăng ký xét tuyển. Khi trúng tuyển, thí sinh mang theo giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học tại trường.

Thí sinh sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào một trường duy nhất.

Thí sinh gửi phiếu đăng ký xét tuyển (theo mẫu được cung cấp trên mạng, tại các trường, sở GD-ĐT) bằng một trong các phương thức sau: nộp tại sở GD-ĐT hoặc trường THPT do sở GD-ĐT quy định, qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Sau khi đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.Ngọc Hà

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm

​Điểm chuẩn không thay đổi nhiều so với dự kiến

Người dân TP.HCM theo dõi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm trong chương trình thời sự trên Đài truyền hình VN - Ảnh: Như Hùng

Ngày 21-8, sau một ngày kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT nhằm đánh giá lại công tác xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ vừa rồi đã bộc lộ một số bất cập: để cho thí sinh đăng ký bốn ngành và được điều chỉnh nguyện vọng của mình trong thời gian dài 20 ngày; quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh chưa hợp lý, tạo ra sự lo lắng, căng thẳng của nhiều thí sinh, phụ huynh.

“Tình trạng đi lại, chờ chực tại các trường ĐH thật sự gây tốn kém, phiền hà, gây lo lắng cho xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, trong đó có trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp trong việc thiết kế tạo thuận lợi cho thí sinh. Thay mặt Bộ GD-ĐT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Ông Luận cũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia là đúng đắn, tạo cơ hội cho thí sinh đỗ vào ĐH, giải quyết được tình trạng thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt những năm trước, đồng thời cũng tăng thêm nguồn tuyển cho các trường.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết trong đợt 1 có gần 570.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trong số này có gần 43.000 thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký, chiếm hơn 8% và chủ yếu chỉ tập trung ở 30 trường ĐH tốp trên lâu nay thu hút nguồn tuyển lớn.

Rối loạn trong xét tuyển đại học, hãy tự trách mình!

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có những phân tích đưa ra một góc nhìn khác về những rối loạn trong xét tuyển đại học đợt 1 năm 2015.


Tôi không bênh vực Bộ GD-ĐT nhưng tôi nghĩ mọi người cần bình tĩnh để xem xét nguyên nhân của những sự cố vừa rồi. Theo tôi, có năm nguyên nhân chính dẫn đến sự việc:

Thứ nhất: Sự ngộ nhận của phụ huynh và thí sinh về năng lực thật của thí sinh.

Điều này xuất phát từ đề thi năm nay. Do phải tích hợp hai kỳ thi trong một, đề thi năm nay phải dễ để đảm bảo tỉ lệ đậu tốt nghiệp khiến điểm khá cao, gây ngộ nhận cho thí sinh và gia đình.

Thực chất, những thí sinh đạt 18-19 điểm trong kỳ thi năm nay chỉ tương đương 13-14 điểm trong kỳ thi năm ngoái. Thế nhưng, ít ai kể cả báo chí, đề cập vấn đề này làm các thí sinh cứ nghĩ 18-19 điểm là đã có thể trúng tuyển vào các trường tốt và tập trung nộp hồ sơ vào các trường này khiến đến giờ chót cập rập phải rút hồ sơ đăng ký.

Thứ hai: Sự vô trách nhiệm của lãnh đạo các trường lớn. Sau khi có điểm sàn, lãnh đạo các trường không phân tích dữ liệu các năm trước để đưa ra điểm nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển phù hợp với trường mình.

Nên nhớ, các thí sinh rất non nớt, khi thấy các trường công bố 15 điểm là có thể nộp hồ sơ đăng ký và các em nghĩ là điểm có thể đậu. Điều này lại gây thêm một sự ngộ nhận thứ hai còn trầm trọng hơn vì có vài trăm ngàn thí sinh thuộc nhóm 15-20 điểm nộp sai địa chỉ.

Tôi cho rằng chúng ta đừng nên đổ hết trách nhiệm lên Bộ GD-ĐT mà hãy tự trách mỗi chúng ta. PGS-TS Đỗ Văn Dũng
PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Thứ ba: Xuất phát từ tình thương thí sinh, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT suy nghĩ đơn giản là khi được chọn nhiều nguyện vọng sẽ tăng cơ hội cho thí sinh.

Tuy nhiên trên thực tế, điều này tạo ra số lượng lớn thí sinh ảo, gây tâm lý bất an và lo lắng khi mình xếp thứ tự quá lớn nên đổ xô đi rút hồ sơ.

Thứ tư: Phản ứng chậm. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT đã phản ứng quá chậm khi cho các em đăng ký rút hồ sơ đăng ký xét tuyển ở sở GD-ĐT vào tuần cuối khiến các thí sinh phải tốn công sức và tiền bạc để đến rút hồ sơ tại trường mình nộp.

Thứ năm: Ứng dụng công nghệ thông tin nửa vời. Trình độ công nghệ hiện nay cho phép thí sinh ngồi tại nhà thay đổi nguyện vọng ưu tiên hoặc thay đổi trường đăng ký mà không phải đi đâu cả. Thế nhưng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT đã không đi theo hướng này mà cứ tập trung vào quản lý điểm số.

Như vậy, tôi cho rằng chúng ta đừng nên đổ hết trách nhiệm lên Bộ GD-ĐT mà hãy tự trách mỗi chúng ta.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150822/diem-chuan-khong-thay-doi-nhieu-so-voi-du-kien/956226.html