Tại cuộc họp báo về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 diễn ra chiều 24/6, Bộ GD-ĐT đã giải thích rõ về việc đính chính đề thi môn Vật lý và xung quanh những thắc mắc trong đề thi Ngữ văn cũng như các vấn đề về độ khó vênh nhau giữa các đề thi, thí sinh vi phạm và phương hướng tuyển sinh ĐH trong thời gian tới.

Mã 7 đề thi Vật lý bị lỗi kỹ thuật do mất chữ, đề Ngữ văn không sai sót

Theo phản ánh từ các cụm thi THPT Quốc gia năm 2017, khi giao nhận đề thi, Bộ GD-ĐT đã gửi kèm theo một phong bì được niêm phong và yêu cầu các điểm thi chỉ được mở trong buổi thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên sáng 23/6.

Cũng trong sáng 23/6, sau khi bóc đề, các cụm thi đã nhận được hướng dẫn về việc một số mã đề môn Vật lý có kèm theo đính chính.

Theo hướng dẫn gửi kèm, trên phiếu thu bài thí sinh phải ghi rõ kèm đính chính bên cạnh ô ký tên.

Trả lời về sự việc trên, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giaó dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi Vật lý có tới 7 mã đề bị sai và phải đính chính.

Thực tế, Bộ GD-ĐT chỉ có 2 tuần để chuẩn bị đề thi. Một tuần chuyển tới quy trình rà soát, kiểm định đề, gửi đi in sao ở các cơ sở. Trong tuần cuối cùng, Bộ GD-ĐT đã phát hiện có sai sót và bổ sung đính chính, gắn vào các mã đề để thể hiện sự minh bạch, chặt chẽ trong các khâu của quá trình ra đề.

Về các ý kiến trái chiều trong việc đề thi môn Vật lý có độ khó không đồng đều, nên thí sinh thấy không công bằng, ông Sái Công Hồng cho rằng, đó là do các em học chưa toàn diện, kiến thức chưa đồng đều thì không thể trách ai.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, có sự việc như các cụm thi nêu trên. Nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật mất chữ ở 7 mã đề thi môn Vật lý trong khi sao in đề.

Trước sự việc trên, Ban soạn thảo đề thi đã gửi kèm đính chính và hướng dẫn cho cán bộ coi thi và thí sinh khi gửi kèm đề thi. Việc phát hiện lỗi kỹ thuật mất chữ ở 7 mã đề thi đã được phát hiện kịp thời, trước khi phát đề cho thí sinh nên không ảnh hưởng gì tới việc làm bài của các em. Ngoài việc sai sót ở mã đề thi môn Vật lý, không có sai sót ở các môn khác.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, việc sai sót kỹ thuật có thể xảy ra bất cứ lúc nào và khó tránh khỏi. Đặc biệt là năm nay, đề thi của một số môn học được in ra thành nhiều tờ giấy và có nhiều trang. Điều quan trọng là Ban chỉ đạo thi phải có giải pháp kịp thời để không ảnh hưởng đến giờ làm bài của thí sinh cũng như việc chấm thi sau khi thí sinh làm xong bài.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Việc chấm thi môn Vật lý vẫn diễn ra bình thường, không ảnh hưởng gì tới kết quả của thí sinh".

Sau sự việc này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban soạn thảo đề thi chọn lựa giải pháp tối ưu nhất để hạn chế tối đa những lỗi kỹ thuật trong in ấn, sao lưu mã đề thi.
Cũng theo ông Hồng, Bộ GD-ĐT khẳng định không sai trong đề thi Ngữ văn. Cụ thể, phần Đọc hiểu của bài thi Ngữ văn với mục đích là đọc hiểu, còn đọc hiểu điều gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí lấy ngữ liệu như thế nào thuộc về quy trình làm đề thi, ma trận đề thi. Điều này phải được bảo mật.

Không có sự vênh nhau về độ khó của đề thi

Thiếu sót trong môn Lý, thắc mắc trong đề Văn: Bộ GD-ĐT nói gì?

Trước câu hỏi về phản ánh của nhiều giáo viên phổ thông về độ khó của các đề không tương đương nhau, ông Sái Công Hồng cho biết, việc xây dựng đề thi trắc nghiệm của kỳ thi năm nay đều được tham khảo ở các nước và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đề thi gồm 24 mã đề khác nhau, Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi chuẩn hóa đều được thử nghiệm, tạo ra các mã đề thi khác nhau.

Độ khó giữa các đề thi không hề vênh nhau. Chúng ta không thể so sánh về độ khó giữa các câu mà phải tính đến cả đề thi.

Việc ra đề thi cố gắng tương đương nhau, không có gian lận, tránh tình trạng thí sinh khoanh bừa như đạt 10 môn Lý, 0 điểm môn Toán.

Trước đây, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo quy trình chuẩn hóa như các kỳ thi quốc tế. Để xây dựng mã đề thi cho kỳ thi năm nay, Bộ chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa.

Khi xây dựng đề thi chuẩn hóa, tất cả đề thi này được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. Qua quá trình này biết độ khó dễ qua thực tế chứ không phải cảm nhận.

Bộ GD-ĐT chọn mẫu 5 tỉnh với 20.000 học sinh lớp 12 để thí nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi. Với các đề thi trắc nghiệm khách quan thì có 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không có 4 đề gốc chỉ quy định mỗi thí sinh có 24 mã đề và mỗi phòng không quá 24 thí sinh.

Về câu hỏi các câu hỏi trong các mã đề được đảo thế nào, ông Sái Công Hồng nhấn mạnh, mã đề thi hình thành đảo theo khối, theo 4  cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì đảo trong 4 khối đó. Cấp độ 4 nằm ở phía cuối đề thi.

“Bộ GD-ĐT cũng áp dụng xây dựng đề thi chuẩn hóa của Hoa Kỳ. Trong quá trình xây dựng đề thi được thử nghiệm. Hội đồng ra đề sẽ rút từ ngân hàng đề thi theo ma trận đề thi. Nếu so sánh một câu này với một câu kia là hơi khập khiễng mà phải so sánh cả đề thi với nhau. Phải làm toàn bộ cả đề thi mới biết độ khó thế nào.

Theo lý thuyết khảo thí thì tính được độ khó của cả bài thi. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của mã đề thi này thì mới chứng minh được độ khó mã đề thi này sai lệch thế nào”- ông Sái Công Hồng nói.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ GD-ĐT cho biết, nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi). Cả đợt thi chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.

Trước thắc mắc của phóng viên về độ tin cậy về tỷ lệ học sinh vi phạm năm nay giảm nhiều so với năm ngoái và mọi năm, ông Mai Văn Trinh, Cục trường Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, tỷ lệ thí sinh vi phạm giảm là hoàn toàn tin cậy. Việc ra đề trắc nghiệm đã góp phần giảm tối đa thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Năm nay, mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh, đa phần là không ngồi cạnh nhau và mỗi thí sinh làm một mã đề thi khác nhau nên khó có thể trao đổi bài với nhau.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã phối hợp để phát hiện, xử lý thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi.

Năm nay, tỷ lệ cán bộ làm công tác coi thi được sắp xếp theo tỷ lệ 50/50 (50% giảng viên đại học và 50% giáo viên phổ thông. Trong phòng thi có 2 giám thị, nếu giám thị làm hết mình thì hoàn toàn có thể nắm bắt được những yếu tố biểu hiện bất thường của thí sinh.

Từ năm 2018 trở đi, điểm sàn sẽ do các trường đại học quy định

Trước một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay khả năng dẫn tới điểm thi sẽ cao và khiến cho các trường đại học khó khăn trong việc xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2018 trở đi, điểm sàn sẽ do các trường quy định.

Trong đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp thông tin về tỉ suất đầu tư cho một sinh viên, tỉ lệ việc làm của sinh viên...

Khi các trường đã cung cấp cho xã hội, thí sinh các điều kiện lựa chọn, khi đó Bộ có thể không cần quy định mức điểm sàn mà việc đó sẽ do các trường tự quyết định. Các quy định từ năm thứ 3 trở đi là bắt đầu ổn định, không có nhiều sự thay đổi trong những năm tiếp theo.

Kỳ thi giảm áp lực, tốn kém cho xã  hội và thí sinh

Tổng kết lại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định, kỳ thi năm nay chỉ tổ chức một cụm thi duy nhất do các Sở GD-ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu để thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Trước đây, kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày, nay rút xuống còn 2,5 ngày. Các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh. Vì vậy, kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội.

Theo VOV