> Đào tạo trực tuyến, e-learning, kỹ năng sống, quản trị cuộc đời

Hơn 400 sinh viên CĐ, ĐH đang học tập ở TP Đà Lạt vừa có buổi giao lưu thú vị với ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, về chủ đề “Quản trị cuộc đời và câu chuyện tôi đi tìm tôi” vào sáng 22-12 tại Đại học Đà Lạt.

Chương trình do văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Lâm Đồng phối hợp với Đại học Đà Lạt tổ chức. Tại hội trường thư viện của Đại học Đà Lạt, suốt gần 5 tiếng đồng hồ, những sinh viên và giảng viên, trí thức trẻ đã có những trao đổi, tranh luận quanh chủ đề “tôi đi tìm tôi” - ấy là một khía cạnh trong câu chuyện câu chuyện “Quản trị cuộc đời” mà nhà giáo Giản Tư Trung chia sẻ.

Buổi hội thảo Quản trị cuộc đời và tôi đi tìm tôi - Giản Tư Trung

Buổi hội thảo Quản trị cuộc đời và tôi đi tìm tôi - Giản Tư Trung

Theo ông Giản Tư Trung, giữa tình hình có một số  hiện tượng tiêu cực trong  xã hội như việc những người trẻ tuổi bị xúc phạm về nhân phẩm, giá trị bản thân trên Facebook đã nghĩ đến việc tự tử, hiện tượng “bà tưng” sẵn sàng sống theo cách mình muốn, hiện tượng giáo viên mầm non bạo hành trẻ em, vụ “hôi bia” ở Đồng Nai… thì người trẻ tuổi nên chọn một giải pháp tốt nhất là hãy thay đổi chính mình trước khi phiền trách tại sao xã hội không thay đổi tích cực hơn.

Đặt ra những câu hỏi với chính bản thân mình

Tôi đi tìm tôi” ấy chính là hành trình tự trăn trở, đặt ra những câu hỏi với chính bản thân mình để “định vị” được “mình là ai” và mình muốn điều gì, điều gì là tốt nhất cho bản thân. Sau khi xác định được “tôi là ai” sẽ tìm cách để làm “cuộc cách mạng thay đổi bản thân” theo đúng những giá trị mình muốn và làm tất cả mọi điều để bảo vệ những giá trị ấy, tạo động lực phấn đấu cao hơn và đóng góp cho xã hội hiệu quả hơn. Nếu mỗi người tự mình thay đổi thì sẽ tạo ra một sự chuyển biến xã hội tốt hơn, tích cực hơn.

Ngày nay, mỗi bạn trẻ phải tự làm một cuộc cách mạng cho chính bản thân mình” – diễn giả nhấn mạnh – “Và đó là một cuộc “cách mạng” vĩ đại nhất đối với mỗi con người. Một khi thay đổi, vượt qua những hạn chế bản thân, suy nghĩ tích cực, hành động tích cực, mỗi người  làm tốt nhất công việc của bản thân trên cương vị của mình, có nghĩa là ta đang tạo sự thay đổi tích cực của xã hội chung quanh ta!”.

Bạn Phan Ngọc Thạch, sinh viên khoa Đông phương học – ĐH Đà Lạt cho biết, buổi nói chuyện tuy chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ nhưng đã đem lại một vốn kiến thức vô tận mà chưa bao giờ bạn biết đến. “Tất cả như là một chìa khóa mở ra một suy nghĩ và định hướng tương lại mới cho mình trước khi bước vào đời lập nghiệp” – Thạch chia sẻ. Anh Phan Tuấn Anh, phó bí thư Đoàn trường ĐH nhận xét: “Lâu lắm rồi SV tại TP. Đà Lạt mới có một buổi nói chuyện chuyên đề bổ ích và say sưa đến vậy. Những câu chuyện tích cực như thế này hẳn sẽ là những “cú hích” tác động rất nhiều đến sự thay đổi suy nghĩ và khát vọng phấn đấu của bạn trẻ Đà Lạt trong tương lai!”.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ kết hợp với các trường Đại học và cao đẳng trên địa bàn Thành Phố Đà Lạt thực hiện. Dự kiến, chương trình "Khách mời báo Tuổi Trẻ" sẽ diễn ra hàng tháng vào năm 2014 với khách mời gồm các diễn giả là doanh nhân, trí thức, học giả… đến từ TP.HCM. Những chủ đề trao đổi sẽ là những câu chuyện liên quan sát sườn cuộc sống của giới trẻ, phổ biến kỷ năng mềm, trao đổi về khát vọng, ước mơ… nhằm thúc đẩy những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống của giới trẻ.

Theo Báo Tuổi Trẻ Online